Điều chỉnh cơ chế phù hợp
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, một trong những cơ chế thu hút đầu tư vào ngành điện là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào gồm chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện… Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì ngành điện sẽ tăng sức hấp dẫn. Bộ Công thương cũng đang tích cực thúc đẩy thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Về điện gió và điện mặt trời, ông Tuấn cho hay, trong phương án giá điện năm 2017, điện mặt trời chưa có nhà máy điện lớn nào để phát điện, còn điện gió thì đã, đang vận hành và tính toán giá thành năm 2017. Trong những năm tới sẽ đưa vào tính toán giá thành điện gió, điện gió đắt hơn giá điện hiện nay.
Trong các dự án FDI lớn từ đầu năm đến nay có hai dự án nhiệt điện than là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD, công suất khoảng 1.200 MW và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (Singapore), tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD, công suất khoảng 1.109,4 MW.
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017.
Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, khung giá bán điện cho từng nhóm khách hàng như đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh, sinh hoạt… vẫn tương tự như trước đây. Về lộ trình, Thủ tướng đã công bố, trong giai đoạn này chỉ được điều chỉnh giá điện trong khung giá điện quy định, còn tăng ngoài khung thì phải báo cáo Chính phủ.
Ảnh hưởng từ giá điện tăng
Tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến lạm phát, và chi phí sản xuất của doanh nghiệp? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá điện làm tăng 0,07% giá thành sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong 28,5 triệu hộ dùng điện, EVN đang phục vụ 23,5 triệu hộ và 78% số hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng. Theo tính toán của các chuyên gia, CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,166% từ giá điện tăng.
"Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách, sử dụng dưới 50 kWh/tháng của bậc thang đầu tiên, theo đó mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của Nhà nước. Tổng số tiền hỗ trợ là trên dưới 2.500 tỷ đồng/năm", ông Tuấn nói.
EVN lỗ do chênh lệch tỷ giá
Thông tin từ Bộ Công thương, doanh thu bán điện năm 2016 đạt 265.510,79 tỷ đồng, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện lỗ 593,46 tỷ đồng. Cộng các khoản thu nhập từ hoạt động tài chính, thu từ bán công suất phản kháng, thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia…, thì EVN lãi 2.658,2 tỷ đồng.
Lý giải các con số thua lỗ tại báo cáo tài chính của EVN, đại diện kiểm toán Deloitt cho biết, phần lớn khoản lỗ của EVN là do chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp này vẫn phải vay ngân hàng nước ngoài để duy trì hoạt động sản xuất và chịu sức ép của biến động tỷ giá theo chiều hướng tăng trong nhiều năm qua. Kết quả, liên tiếp trong 3 năm từ 2014 - 2016, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVN bị thua lỗ.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, EVN vẫn còn treo một khoản 9.000 tỷ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, chưa được phân bổ vào giá thành điện.
"Lỗ thì phải đưa vào biểu giá điện ngay nhưng Chính phủ không làm như vậy mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm, có lộ trình cụ thể. Trong lần điều chỉnh này có đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào khâu phát điện. Cụ thể, chênh lệch tỷ giá năm trước sẽ được thanh toán trong năm sau và dự đoán một phần chênh lệch tỷ giá của năm 2016 và những năm trước được đưa vào. Theo lộ trình thì hàng năm sẽ đưa thêm vào biểu giá điện bán lẻ”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Cường Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, lỗ tỷ giá thường xuyên xảy ra nên để giảm áp lực thì cần phân bổ tỷ giá ra các năm khác nhau. Do đó, cần dựa vào tình hình kinh doanh các năm để phân bổ cho phù hợp.