Giá dầu tăng mạnh, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại

(ĐTCK) Trước diễn biến leo dốc của giá dầu thế giới thời gian gần đây, nhiều cơ quan/tổ chức và chuyên gia đã cùng đưa ra cảnh báo về xu hướng tăng giá dầu sẽ có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như khả năng kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đặt ra.
Giá dầu tăng mạnh, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại

Các con số thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đều khá trùng khớp khi cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây; tăng 1,61% so với đầu năm và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.

Cả hai cơ quan này đều chung nhận định, CPI tháng 5 tăng cao chủ yếu do giá thực phẩm và xăng dầu tăng mạnh. Trong đó, 2 lần điều chỉnh tăng trong tháng đã khiến giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, làm CPI tổng thể tăng 0,16 điểm phần trăm.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát 5 tháng đầu năm vẫn trong tầm kiểm soát, song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến. Do đó, tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017.

Tính toán của cơ quan này cho thấy, giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17 - 20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60 - 62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5 - 7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5 - 3,8%.

Nếu giá dầu bình quân tăng ở mức cao hơn, khoảng 24 - 25% so với năm ngoái, lên mức 65 USD/thùng theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8 - 10% so với năm trước. Điều này có thể tác động làm tăng mạnh chỉ số giá tiêu dùng, trong trường hợp này, lạm phát năm 2018 dự báo có thể tăng 4 - 4,1% so với năm 2017.

Cùng chung mối quan ngại về tác động của giá dầu tăng khiến lạm phát gia tăng, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến CPI tháng 4 và tháng 5 đều tăng cao, trong đó tháng 5 tăng đột biến, hầu như do yếu tố thị trường, đặc biệt là từ tăng giá nguyên liệu xăng dầu trên thị trường thế giới.

“Cần phải hết sức cẩn trọng và theo dõi chặt chẽ các yếu tố tác động từ thị trường, đặc biệt là xu thế biến động của giá dầu bởi đây là nhân tố thị trường tiềm ẩn các tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Không loại trừ khả năng giá dầu tiếp tục đi lên, tăng giá cả hàng hóa thị trường trong nước và khiến lạm phát tăng cao”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cảnh báo.

Trong khi đó, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giá dầu thế giới tăng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến mục tiêu tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát của Việt Nam từ nay đến cuối năm, nếu không có giải pháp đối phó kịp thời.

“Giá dầu trên thế giới tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của Việt Nam, bởi hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng xăng rất lớn. Giá dầu tăng cũng kéo theo giá xăng và các nguyên liệu đầu vào khác tăng lên, từ đó làm tăng giá cả hàng hóa, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực, khiến thị trường trong nước và ngoài nước có thể bị thu hẹp, tác động đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, giá xăng dầu tăng tạo ra một mặt bằng giá mới cao hơn do các hàng hóa đều tăng giá, dẫn tới chỉ số tiêu dùng tăng mạnh, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát, cũng như tăng trưởng kinh tế”, ông Doanh nhận định.

Còn theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, nguy cơ CPI tăng đã có thể nhìn thấy ngay từ đầu năm khi xu hướng giá dầu trên thế giới ngày càng trở nên rõ ràng. Theo ông Thành, điều này đã được dự báo sớm nên không thể nói là không lường trước được để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

“Trước mắt, để giảm áp lực lên lạm phát và mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm, Chính phủ cần cẩn trọng hơn trong việc tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như các mặt hàng dịch vụ công. Đồng thời, cần có điều phối các chính sách tài chính tiền tệ hợp lý, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.

Về dài hạn, ông Doanh cho rằng, Việt Nam cần phát triển các nguồn năng lượng thay thế, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu, giảm nhập khẩu thông qua việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời, sức gió và ứng dụng các công nghệ mới tạo ra sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục