PVS “trật nhịp” với giá dầu

(ĐTCK) Có tiếng là cổ phiếu dầu khí, nhưng do vướng nhiều vấn đề nội tại, cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vẫn “lao dốc” bất chấp giá dầu có những diễn biến tích cực kể từ đầu năm đến nay.
Theo PVS, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút Theo PVS, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút

“Trật nhịp” với giá dầu

Tính đến hết ngày 6/6, giá dầu thô Brent dao động trong khoảng 76 USD/thùng. Đây là mức giá đã điều chỉnh sau thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, dự kiến gia tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày. Bất chấp thông tin này, theo giới phân tích, nhiều khả năng giá dầu năm 2018 vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu Brent được dự báo đạt trung bình 71 USD/ thùng trong năm nay.

Theo Công ty Chứng khoán ACBS, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (0,21 lít/người), nên tiềm năng tăng trưởng ngành dầu khí nước ta vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, trữ lượng dầu khai thác đang trong quá trình suy giảm. Hầu hết các mỏ dầu lớn đều đã được khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối, trong khi các vị trí dự kiến phát triển mỏ mới đa số có quy mô nhỏ.

Với diễn biến này, tác động của giá dầu lên các doanh nghiệp có sự phân hóa rõ rệt. Nếu như nhóm doanh nghiệp ở phân khúc hạ nguồn (chế biến và phân phối sản phẩm dầu) được hưởng lợi thì những doanh nghiệp ở phân khúc thượng và trung nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác) lại gặp khó, khi mà sản lượng khai thác dầu khí giảm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sản lượng dầu thô khai thác cả năm 2018 đạt khoảng 11,31 triệu tấn, giảm 14,7% so với năm 2017. Riêng quý I/2018, sản lượng dầu thô khai thác đạt 3,64 triệu tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với diễn biến này, một số doanh nghiệp dầu khí ở phân khúc thượng và trung nguồn còn sở hữu câu chuyện riêng, khiến những khó khăn càng thêm chồng chất. Trong đó, PVS là doanh nghiệp dầu khí nằm ở phân khúc trung nguồn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho việc khai thác dầu khí, sự tăng trưởng phụ thuộc vào sản lượng công việc thực hiện, gắn với các dự án mỏ đã, đang và sẽ khai thác.

Với lợi thế là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVS tham gia vào các dự án, mỏ dầu lớn của Việt Nam như Cá Rồng Đỏ, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Lô B Ô Môn... Trên thị trường hiện nay, ngoài PVS, không có nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực. Điều này là một lợi thế cho PVS trong việc tham gia những dự án dầu khí trọng điểm thuộc PVN.

PVS hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm cơ khí dầu khí, cung ứng tàu chuyên dụng, dịch vụ căn cứ cảng, khảo sát địa chất và một số dịch vụ dầu khí khác. Trong đó, hoạt động cơ khí dầu khí đóng góp chính cho doanh thu của Công ty nhưng biên lợi nhuận gộp khá thấp. Hoạt động có biên lợi nhuận cao là cung ứng tàu chuyên dụng và căn cứ cảng.

Mặc dù giá dầu tăng có ảnh hưởng tích cực đến hầu hết cổ phiếu trong ngành nhưng với PVS thì không hẳn vậy. Đối với các hợp đồng FSO/FPSO của Công ty, giá thuê được thỏa thuận theo hợp đồng và xu hướng ngày càng giảm dần. Theo đó, giá cước FSO Biển Đông khoảng 42.000 USD/ngày và FPSO Lam Sơn khoảng 50.000 USD/ngày.

Biến động của giá dầu không ảnh hưởng đến giá cước cho thuê, nhưng có thể tác động đến PVS thông qua việc khai thác sẽ được kích thích. Tuy nhiên, trao đổi với lãnh đạo của một công ty cùng ngành dầu khí, vị này cho biết, giá dầu hiện nay tuy tăng nhưng chưa đủ bền vững để các chủ đầu tư mạnh dạn triển khai dự án khai thác. Bên cạnh đó, hoạt động này đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá dịch vụ giữa các đơn vị trên thị trường.

Theo PVS, năm 2017, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Mảng dịch vụ dầu khí biển bị cạnh tranh khốc liệt, giảm nghiêm trọng theo cấp số nhân, về cả khối lượng công việc và giá trị dịch vụ.

Cụ thể, giá dịch vụ của PVS đang thực hiện chỉ tương đương 30% so với thời điểm giá dầu 100 USD/thùng, giá FSO cũng giảm từ 45 - 60%... Trong khi đó, hoạt động khảo sát địa chất và dịch vụ căn cứ cảng lại tăng trưởng mạnh, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tổng công ty.

Có nên mua PVS ở giá hiện tại?

Năm 2018, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, giảm lần lượt 42% và 28% so với thực hiện năm 2017. Cổ tức dự kiến bằng tiền mặt 7%.

Kết thúc phiên 6/6, PVS đóng cửa ở mức 18.100 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, cổ phiếu PVS giao dịch ở mức P/E dự phóng theo kế hoạch kinh doanh năm 2018 là khoảng 14 lần - thấp hơn mức bình quân chung của thị trường.

Sở dĩ mức giá này thấp là do với những diễn biến hiện nay, PVS đang cho thấy những tín hiệu kém khả quan trong ngắn hạn. Trong đó, ảnh hưởng của Dự án Cá Rồng Đỏ có thể là một trong những nguyên nhân.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, PVS cho hay, theo thông báo của khách hàng, Dự án Cá Rồng Đỏ mà Công ty tham gia cung cấp kho nổi FPSO đã phải áp dụng tình trạng “bất khả kháng”. Theo giới phân tích, việc tạm dừng dự án này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng trong thời gian tới của PVS, bởi trước đó, Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 20% doanh thu.

Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch chào bán gần 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung vốn cho dự án (vốn đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng) đã không thực hiện được trong năm 2017. PVS cho biết sẽ căn cứ tình hình thực tế của dự án này để quyết định phương án phù hợp. 

Bên cạnh đó, các khoản phải thu khó đòi của Công ty vẫn chưa được giải quyết dứt điểm cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại. Đây chính là nguyên nhân khiến kế hoạch chuyển sàn sang HOSE của PVS đã phải trì hoãn trong thời gian qua.

Theo báo cáo tài chính quý I/2018, PVS có tổng tài sản đạt 22.795 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 12.470 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn 4.735 tỷ đồng, chiếm gần 38% tài sản ngắn hạn. Công ty đã trích lập cho khoản phải thu khó đòi hơn 197 tỷ đồng.

Các chuyên viên phân tích ngành cho rằng, ngoài khó khăn ngắn hạn, những vướng mắc trong yếu tố nội tại doanh nghiệp phải được giải quyết triệt để thì triển vọng của PVS mới có thể cải thiện. Ngoài ra, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí, bên cạnh rủi ro giá dầu, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc yếu tố “bất khả kháng” đến từ những yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán ACBS, ngoài Dự án Cá Rồng Đỏ, các dự án ngoài khơi khác như Sư tử trắng, Sao Vàng - Đại Nguyệt và Lô B Ô Môn vẫn sẽ hỗ trợ tốt cho kết quả kinh doanh của PVS đoạn 2018 - 2020. Với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, cũng như kế hoạch gia tăng ngân sách cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác của PVN thì các mảng tàu chuyên dụng, căn cứ cảng của PVS cũng có triển vọng tích cực hơn.

Có thể thấy, thời gian qua, giá cổ phiếu PVS đã chiết khấu thông tin liên quan tới dự án Cá Rồng Đỏ, nhưng ở mức giá cổ phiếu hiện tại, khối công ty chứng khoán đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Có công ty cho rằng, mức giá này đã là hợp lý, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm giá hiện nay là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn giải ngân.

Mỗi ý kiến được đưa ra trên những đánh giá và góc nhìn khác biệt về triển vọng PVS. Tương lai PVS ra sao là câu hỏi ngỏ, nhưng sự khác biệt trong đánh giá khiến PVS trở thành cổ phiếu có thanh khoản tương đối tốt, từ 2 - 10 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục