Giá dầu tận hưởng niềm vui ban đầu

(ĐTCK) Lần đầu tiên kể từ năm 2008, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đi tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giúp giá dầu thô tăng vọt.
Giá dầu tận hưởng niềm vui ban đầu

Thỏa thuận này nhằm mục tiêu hạn chế bớt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, vốn là nguyên nhân khiến giá dầu sụp đổ kể từ năm 2014.

Ngay sau khi thông tin này được đưa, thị trường năng lượng toàn cầu lập tức đã có phản ứng tích cực, giá các loại dầu thô tiêu chuẩn đã tăng gần 10% tại New York, cùng với đó là xu hướng tăng của cổ phiếu năng lượng.

Diễn biến này phần nào cho thấy sự bất ngờ của thị trường khi nhóm 3 nhà sản xuất lớn nhất OPEC là Ả Rập Xê út, Iran và Iraq đã gạt bỏ được bất đồng, cùng đồng ý một thỏa thuận chung.

Chưa kể, điều gây bất ngờ nhất là Nga, nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu ngoài OPEC, cũng đồng ý tự giảm sản lượng đầu ra của mình.

Giá dầu tận hưởng niềm vui ban đầu ảnh 1

 giá dầu Brent và WTI đồng loạt tăng mạnh sau thỏa thuận của OPEC

Theo thỏa thuận, OPEC sẽ giảm sản lượng đầu ra khoảng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017, mức giảm này sẽ được phân bổ cho mỗi quốc gia thành viên theo số lượng nhất định.
2 thành viên OPEC là Nigeria và Libya được loại trừ khỏi việc giảm sản lượng và đây là lần đầu tiên Iraq bị đặt ra mức trần kể từ những năm 1990.

Sau nhiều tuần tranh luận, cuối cùng Iran cũng đã giành được “chiến thắng” khi được phép nâng mức sản lượng lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Trước đó, Ả Rập Xê út cho rằng, Iran nên giới hạn sản lượng ở mức 3,707 triệu thùng/ngày.

Ả Rập Xê út, quốc gia vừa nâng mức sản lượng sản xuất lên mức cao nhất từ trước tới nay trong năm nay, sẽ giảm sản lượng đầu ra khoảng 486.000 thùng/ngày, xuống còn 10.058 triệu thùng/ngày. Iraq đồng ý cắt giảm 210.000 thùng/ngày so với mức sản lượng vào tháng 10/2016.

Jeff Currie, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thị trường hàng hóa của Goldman Sachs Inc cho rằng, ý nghĩa kinh tế của thỏa thuận này là vô cùng lớn, bởi nó đưa thị trường năng lượng trở lại trạng thái bình thường so với tình trạng dư cung lớn như hiện nay.

Mặc dù thị trường có phản ứng tích cực với thông tin về thỏa thuận, nhưng không phải tất cả đều tỏ ra lạc quan. Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại UBS Group AG cho biết: “Cho tới nay, thông tin này rõ ràng là yếu tố tích cực, tuy nhiên vẫn còn khá lâu cho tới tháng 1. Tháng 12 này vẫn có thể chứng kiến kỷ lục sản xuất mới của các thành viên OPEC”.

Các quốc gia OPEC chính là những người nếm trải nỗi đau lớn nhất trong 2 năm qua khi giá dầu giảm mạnh

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào việc các thành viên OPEC có tuân thủ theo thỏa thuận hay không, bởi các quốc gia này từng có nhiều tiền lệ làm trái cam kết trong quá khứ.

Thực tế, các quốc gia OPEC chính là những người nếm trải nỗi đau lớn nhất trong 2 năm qua khi giá dầu giảm mạnh. Nhóm này thu về 341 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ kể từ đầu năm tới nay, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giảm mạnh so với mức 753 tỷ USD cùng thời gian năm 2014 và kỷ lục 920 tỷ USD năm 2012.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục