Giá dầu giảm, số nợ của các công ty dầu mỏ tăng gấp đôi

(ĐTCK) Khi giá nguyên liệu thô sụp đổ vào cuối năm 2014, lãnh đạo các công ty dầu mỏ nhìn các công ty khai thác mỏ với cái nhìn của kẻ bề trên. Giờ đây, vị trí này đã thay đổi.
Giá dầu giảm, số nợ của các công ty dầu mỏ tăng gấp đôi

Vào cuối năm 2014, các công ty dầu mỏ lớn nhất trên thế giới vẫn đang tận hưởng niềm vui nhờ tình hình tài chính vững mạnh, ít phải lo lắng về các khoản nợ. Trong khi đó, các công ty khai thác mỏ đối diện với doanh thu lao dốc, những công ty khai khoáng lớn nhất thế giới như Rio Tinto Plc, Anglo American Plc và Glencore Plc đã buộc phải giảm sản xuất, sa thải rất nhiều nhân viên nhằm kiểm soát chi phí.

2 năm sau đó, tới lượt các công ty năng lượng chịu trận. giá dầu thô giao dịch dưới 50 USD/thùng đã khiến các công ty như Exxon Mobil Corp, Royal Dutch Shell Plc và các đại gia dầu mỏ khác chứng kiến số nợ của mình gia tăng gấp đôi, lên mức tổng 138 tỷ USD. Trong bối cảnh này, việc kiểm soát chi tiêu, hạ sản lượng và giảm thiểu nhân sự là các biện pháp cần được thực hiện.

Tệ hơn nữa, núi nợ của các công ty, vốn đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2008, đang có dấu hiệu gia tăng nhanh hơn nữa trong quý III và quý IV/2016, theo nhận định của lãnh đạo cấp cao các công ty năng lượng, cũng như chuyên gia trong ngành.

Giá dầu giảm, số nợ của các công ty dầu mỏ tăng gấp đôi ảnh 1

 Số nợ của các công ty dầu mỏ lớn đang gia tăng mạnh

“Các khoản nợ sẽ còn tăng thêm nữa, trước khi giảm xuống. Và yếu tố tác động lớn nhất là giá dầu”, giám đốc tài chính của Shell Simon Henry cho biết.

Vấn đề của các công ty dầu mỏ rất đơn giản: họ chi tiêu nhiều hơn kiếm được. giá dầu WTI và Brent, hai loại dầu tiêu chuẩn thông dụng nhất trên toàn cầu đã bước vào xu hướng giảm trong tuần này khi đã giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 6.

Trường hợp điển hình là Chevron Corp. Trong nửa đầu năm, Công ty bơm ra thị trường 3,7 tỷ USD dầu thô, khí đốt và sản phẩm chế xuất. Nhưng số tiền này không đủ để bù đắp cho 4 tỷ USD dùng để trả cổ tức cho cổ đông trong cùng giai đoạn, chưa kể tới các dự án đầu tư trị giá 10 tỷ USD. Mặc dù Chevron cố gắng rút ngắn khoảng cách này bằng cách bán đi 1,4 tỷ USD tài sản, Công ty vẫn có thêm 6,5 tỷ USD nợ mới trong 6 tháng qua.

Kể từ khi giá dầu sụp đổ từ giữa năm 2014, các công ty dầu mỏ lớn có tổng 71 tỷ USD nợ, tăng mạnh so với mức 13 tỷ USD vào giữa năm 2008, khi giá dầu đạt mức đỉnh gần 150 USD/thùng.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng nợ trung bình hàng năm của các công ty dầu mỏ là 11,5%, gấp đôi tốc độ 5,1% trong giai đoạn 2009 – 2014, Virendra Chauhan, chuyên gia phân tích của Energy Aspects Ltd cho biết.

Đối với lãnh đạo một số công ty dầu mỏ, bao gồm cả CEO của Shell Ben Van Beurden, việc giảm các khoản nợ là ưu tiên hàng đầu hiện tại, trên cả nhiệm vụ trả cổ tức và đầu tư vào các dự án mới. Số nợ của Shell thậm chí còn gia tăng mạnh khi phải vay thêm để thực hiện sáp nhập nhà sản xuất khí đốt BG Group Plc trong năm nay.

Bên cạnh đó, các công ty dầu mỏ đang vay thêm nhiều khoản tiền hơn nữa nhờ chính sách lãi suất thấp và các biện pháp nới lỏng tiền tệ hiện tại.

CEO BP Bob Dudley cho biết, Công ty này có thể “thu xếp vay thêm một chút nữa. Hiện tại, chi phí vay tiền là khá rẻ”.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục