Trường hợp đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) khi trong năm 2016, PV Drilling đặt mục tiêu doanh thu 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, mức lợi nhuận này chỉ bằng 30% kết quả thực hiện năm 2015.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo PV Drilling chia sẻ, giá dầu lao dốc trong thời gian qua, đặc biệt là hai quý cuối năm 2015 đã bắt đầu ảnh hưởng đến giá cho thuê các giàn khoan.
Hiện tại, các hợp đồng cho thuê giàn khoan của Tổng công ty đã được đàm phán lại, với mức giảm từ 20 - 30% so với năm 2014. Với diễn biến bất lợi của giá dầu, dự kiến trong năm 2016, PV Drilling sẽ phải đối mặt với tình trạng có thể trống ít nhất 1 giàn khoan cho thuê do Tổng công ty đưa đi bảo dưỡng và các đối tác gặp khó khăn do giá dầu giảm.
Kế hoạch kinh doanh quá thấp của PV Drilling đã được nhiều CTCK đưa ra “mổ xẻ”. CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016 của PV Drilling thấp hơn lần lượt 39% và 62% so với dự báo của VCSC.
Với mục tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng của PV Drilling, VCSC tính toán, giá thuê giàn khoan chỉ khoảng 80.000 USD/ngày và hiệu suất sử dụng 78%. Mục tiêu này là quá thận trọng so với giá thuê 120.000 USD/ngày và hiệu suất sử dụng 98% năm 2015.
Một DN khác dự kiến đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016 giảm ít nhất 60% so với mức thực hiện năm 2015, đó là Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí (PTSC). Năm 2015, PTSC đạt doanh thu hợp nhất 24.300 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 2.090 tỷ đồng.
Nhiều cổ đông đặt câu hỏi, vì sao trong năm 2015, giá dầu sụt giảm gần một nửa, nhưng nhiều DN dầu khí vẫn đạt, thậm chí vượt kế hoạch như PV Drilling đạt lợi nhuận sau thuế 1.650 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch, PTSC vượt hơn 60% kế hoạch…, trong khi hiện tại, giá dầu giảm đã nằm trong kịch bản của nhiều DN, nhưng kế hoạch 2016 lại thấp như vậy?
Theo lãnh đạo một DN ngành dầu khí, giá dầu liên tục sụt giảm và chưa biết đâu là mức đáy, chính vì vậy, việc đặt kế hoạch kinh doanh chỉ là tạm thời và các DN có thể sẽ phải điều chỉnh trong năm 2016, khi thị trường có các diễn biến mới. Chẳng hạn, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2015 vào “phút thứ 90”:
Kế hoạch doanh thu được điều chỉnh giảm 12%, xuống 61.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh giảm 29%, xuống còn 8.200 tỷ đồng so với kế hoạch cũ. Kết thúc năm 2015, GAS hoàn thành vượt mức kế hoạch mới, nhưng mức vượt là không đáng kể.
HĐQT Tổng CTCP Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (PVC) cũng vừa thông qua các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 với doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 82,7 tỷ đồng. Mặc dù đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2016, nhưng PVC sẽ xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2015 vào ngày 14/1 tới. Kể cả PVC có điều chỉnh thì với kết quả đã đạt được trong năm 2015, kế hoạch 2015 vẫn cao hơn so với kế hoạch 2016.
Thực tế, việc các DN đặt kế hoạch kinh doanh thấp đã từng gây ra tranh cãi tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ năm 2015. Với diễn biến nêu trên, dự kiến ĐHCĐ 2016 của không ít DN sẽ “nóng” về nội dung chỉ tiêu kinh doanh ở mức thấp. Nhiều cổ đông đề nghị, DN đặt mục tiêu thấp sẽ không trích thưởng cho ban lãnh đạo, kể cả khi vượt kế hoạch kinh doanh.
Giải trình về việc đặt chỉ tiêu kinh doanh 2016 ở mức thấp, lãnh đạo một DN cho hay, kế hoạch này được xây dựng trên tinh thần cẩn trọng khi giá dầu ngày một “bấp bênh”, dù nhiều cổ đông cho rằng, kế hoạch kinh doanh quá thấp so với tiềm lực của công ty, thậm chí cổ đông lớn nắm vai trò chi phối là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã phải có ý kiến là DN cần phải tính toán lại dựa trên mức tính toán giá dầu bình quân, cũng như kế hoạch đầu tư của toàn ngành.