Trong phiên đầu tuần mới, chứng khoán Trung Quốc lại lao dốc, kéo theo chứng khoán khu vực giảm theo. Nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra với chứng khoán Âu, Mỹ giống như tuần đầu tiên của năm mới.
Tuy nhiên, khác với tuần trước, dù chứng khoán lao dốc, phố Wall vẫn mở cửa với sắc xanh, sau đó dù đảo chiều do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng, nhưng cuối cùng, Dow Jones và S&P 500 vẫn đóng cửa trong sắc xanh, trong khi Nasdaq tiếp tục giảm, nhưng mức giảm đã được hãm lại đáng kể.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Dow Jones tăng 52,12 điểm (+0,32%), lên 16.398,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,64 điểm (+0,09%), lên 1.923,67 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,64 điểm (-0,12%), xuống 4.637,99 điểm.
Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng không quá ảnh hưởng tiêu cực bởi chứng khoán Trung Quốc lao dốc trước đó mấy tiếng. Dù mở cửa trong sắc đỏ, nhưng chứng khoán châu nhanh chóng phục hồi sau đó và phân lớn thời gian của phiên dao động trong sắc xanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dược bắt nguồn từ sự lao dốc của cổ phiếu Shire khi hãng này thông báo sẽ mua hãng dược Mỹ là Baxalta và nhóm cổ phiếu hàng hóa nguyên vật liệu, năng lượng, chứng khoán châu Âu vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,61 điểm (-0,69%), xuống 5.871,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,27 điểm (-0,25%), xuống 9.825,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 21,02 điểm (-0,49%), xuống 4.312,74 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đợt bán tháo đã khiến chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần mới với chỉ số Shanghai tại Thượng Hải giảm tới hơn 5,3%, kéo theo chứng khoán Hồng Kông cũng giảm tới gần 3% trong phiên đầu tuần. May mắn là chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần, nhưng ngay khi trở lại trong phiên sáng nay, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản đã nhanh chóng giảm hơn 1,5%.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 565,21 điểm (-2,76%), xuống 19.888,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 169,71 điểm (-5,33%), xuống 3.016,70 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên đầu tuần.
Không giống như tuần trước, sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không lây lan ra chứng khoán toàn cầu, mà chỉ ở một vài thị trường chứng khoán châu Á. Do đó, giá vàng đã không được hưởng lợi nhua tuần trước. Ngược lại, áp lực chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhất 7 tuần khiến giá kim loại quý này có phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, ảnh hưởng của giá dầu thô giảm sâu cũng tác động tiêu cực lên giá vàng.
Kết thúc phiên 11/1, giá vàng giao ngay giảm 10,4 USD (-0,91%), xuống 1.094,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 7,9 USD (-0,72%), xuống 1.096,2 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, lực bán tháo đã xuất hiện ngay đầu phiên, kéo giá loại nhiên liệu này giảm xuống mức thấp nhất 12 năm. Giá dầu thô được dự báo sẽ giảm về 20 USD/thùng do ảnh hưởng từ sức cầu yếu của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 11/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,75 USD/thùng (-5,28%), xuống 31,41 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003. Giá dầu thô Brent giảm 2,00 USD (-5,96%), xuống 31,55 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2004.