Gen Z nên kỳ vọng gì khi đầu tư cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư cổ phiếu để có được nguồn thu nhập thụ động, bổ sung cho nguồn thu nhập chính. Thế nhưng không phải nhà đầu tư Gen Z nào cũng hiểu rõ điều này khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thế hệ Gen Z là thế hệ ưa thích công nghệ, họ lớn lên trong thời đại của điện thoại thông minh, của ứng dụng di động nên có cơ hội tiếp cận thông tin về tài chính dễ dàng hơn so với thế hệ cũ, từ đó am hiểu và tham gia vào các sản phẩm tài chính nhiều hơn, trong đó đặc biệt là tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động từ việc đầu tư chứng khoán.

Đặc biệt, thế hệ này cũng đã và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn về việc làm và thu nhập khi nền kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm và thu nhập của những người thuộc thế hệ này. Vì thế họ có nhận thức rõ và quan tâm đến tài chính sớm hơn so với những thế hệ trước đây.

Ngoài việc phải sống qua đại dịch và chứng kiến ​​những biến động tài chính, một bộ phận của Gen Z cũng nhận thức rõ rằng chi phí sinh hoạt, y tế và mức sống ở thời điểm họ về hưu có thể sẽ tăng lên đáng kể so với thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của lạm phát.

Họ cũng có sự độc lập cao hơn trong cuộc sống khi mà khái niệm sống dựa vào con cái khi về già đã dần trở nên lỗi thời. Do đó, việc họ tìm đến các giải pháp tài chính với mong muốn đạt được tự do tài chính, bảo vệ bản thân trước những rủi ro là điều dễ hiểu.

Đây là một tín hiệu tích cực về cả mặt kinh tế lẫn xã hội, khi mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường và tránh viễn cảnh người trẻ rơi vào khủng hoảng khi về hưu.

Để tích lũy tài chính, một trong những cách truyền thống nhất là tiết kiệm ngay khi còn trẻ. Càng thực hiện tiết kiệm sớm, cuộc sống về già sẽ càng dễ thở hơn. Tuy vậy, kênh tiết kiệm ngày càng trở nên bớt hấp dẫn khi số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy tiền gửi dân cư có xu hướng tăng chậm lại đáng kể trong khoảng 5 năm qua. Đặc biệt, trong khoảng 1 năm trở lại đây môi trường lãi suất thấp kỷ lục đã không còn hấp dẫn với nhiều người gửi tiền nữa.

Với độ nhạy bén về tài chính và đầu tư, thế hệ Gen Z đã lựa chọn nhiều phương án đầu tư khác nhau để tăng tích lũy từ các nguồn thụ động, đáng kể nhất là đầu tư vào tiền kỹ thuật số và chứng khoán.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số đã cho thấy độ rủi ro rất cao. Nhiều người trẻ đã nhận ra rằng, đó là nơi mà nhà đầu tư không được bảo vệ bởi luật pháp, đó là chưa kể thị trường bị lũng đoạn rất cao, biến động giá cực lớn, có những lúc thị trường giảm giá mạnh thì nhà đầu tư không thể giao dịch được do nghẽn sàn giao dịch, dẫn tới tài sản của nhà đầu tư bị bốc hơi rất nhanh. Vì thế đầu tư vào cổ phiếu đang là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ.

Kỳ vọng một cách hợp lý

Michael Sonnenfeldt, nhà sáng lập và đồng thời là chủ tịch của Tiger 21, một mạng lưới đầu tư dành cho những nhà đầu tư có tài sản lớn tại Mỹ cho biết, nếu bạn hỏi một doanh nhân thành công là họ mất bao lâu để trở thành một nhà đầu tư giỏi trên thị trường cổ phiếu, họ sẽ trả lời rằng cần một thời gian tối thiểu là 5 năm. Ông này cũng cho rằng, những thành công trong đầu tư chứng khoán hôm nay không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công trong tương lai.

Ông dẫn ra ví dụ của bản thân mình: “Điều tồi tệ nhất đã từng xảy ra với tôi khi tôi còn là sinh viên đại học là khoản đầu tư đầu tiên trong đời của tôi là vào quyền chọn (một loại chứng khoán phái sinh) và giá của nó đã tăng gấp đôi, gấp ba sau đó. Đó là bài học đắt giá nhất trong đầu tư của tôi tính tới thời điểm này vì nó đã làm cho tôi mất đi toàn bộ sự tự tin. Tôi đã phải chịu những khoản lỗ gấp nhiều lần so với khoản lãi mà tôi kiếm được để hiểu ra rằng, không nên coi đầu tư chứng khoán là một canh bạc, dựa vào may rủi mà phải tìm hiểu về nó một cách kỹ càng”.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhiều người đã nhận ra rằng đầu tư cổ phiếu là cách để tạo ra sự thịnh vượng. Chỉ một thế hệ trước đây thôi, khi lãi suất tiết kiệm cao hơn nhiều thì các công cụ nợ (trái phiếu) là kênh đầu tư giúp mang lại hiệu suất đầu tư cao hơn so với tỷ lệ lạm phát. Thế nhưng giờ đây trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục, nhiều người đã chọn đầu tư vào cổ phiếu”, ông Michael Sonnenfeldt nói.

Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán Mỹ đã rất khởi sắc trong năm 2021 khi chỉ số S&P 500 tăng tới gần 30%, việc thị trường có đạt mức tăng đó trong năm 2022 hay không hay quay trở lại với mức tăng trung bình hàng năm về dài hạn là 9% thì các nhà đầu tư Gen Z cũng nên có cái nhìn thực tế, mang tính dài hạn để có kế hoạch đầu tư một cách hợp lý, tránh đặt kỳ vọng quá cao vào thị trường.

“Về mặt dài hạn, khi bạn ở trong thị trường đủ lâu, bạn sẽ học được cách điều chỉnh mục tiêu và kỳ vọng của mình. Lạc quan và thực tế là hai thứ khác nhau. Nhiều người lạc quan nhưng rất không thực tế”, ông Sonnnenfeldt cho biết.

Phong Vũ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục