Thời điểm “vàng” cho Gen Z gia nhập thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ đề cao cái tôi và sự tự do, Gen Z còn đặc biệt yêu thích việc sớm tự chủ tài chính cá nhân. Để đạt được mục tiêu này, họ có xu hương bắt đầu đầu tư từ rất sớm.
Thời điểm “vàng” cho Gen Z gia nhập thị trường chứng khoán

Gen Z lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số như Internet, mạng xã hội, hay thiết bị di động thông minh…, điều này đã giúp Gen Z hình thành những nhận thức mạnh mẽ về sức mạnh của thông tin, truyền thông đại chúng, trải nghiệm ảo và toàn cầu hóa. Thế hệ này không chỉ đề cao cái tôi và sự tự do mà còn yêu thích việc tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính cá nhân.

Mặc dù chưa có nhà đầu tư dưới 10 tuổi (độ tuổi nhỏ nhất tính đến hiện tại của Gen Z) nhưng có khá nhiều nhà đầu tư 2x đã bắt đầu suy nghĩ và dành một phần quỹ cá nhân, bất kể nhỏ đến mức nào, để giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Tầm quan trọng của việc đầu tư ở độ tuổi này vẫn chưa được nhiều Gen Z quan tâm và nhìn nhận một cách đúng đắn. Dưới đây là một vài góc nhìn rõ ràng về lý do tại sao bây giờ là thời điểm tối ưu để Gen Z bắt đầu đầu tư tài chính.

Đầu tư dễ dàng

Một trong những điều tuyệt vời nhất dành cho Gen Z là chưa bao giờ có thời điểm nào dễ dàng hơn để đầu tư như bây giờ. Chỉ gần chục năm trước, hoàn toàn chưa có khái niệm “E-Broker – Nhà môi giới tư vấn trực tuyến” và chắc chắn cũng chưa có ứng dụng di động nào mà bạn có thể giao dịch chứng khoán chỉ bằng một vài cú “click”.

Gen Z tiếp cận dễ dàng với các nền tảng và chính sách đầu tư ưu việt.
Gen Z tiếp cận dễ dàng với các nền tảng và chính sách đầu tư ưu việt.

Nhưng đó chưa phải là tất cả…

Gen Z còn được hưởng lợi trong thời đại mà đầu tư chứng khoán ngày càng được ‘bình dân hóa’.

Cho đến gần đây, mua cổ phiếu vẫn có nghĩa là bạn phải chi trả ít nhất bằng giá của một lô cổ phiếu (tối thiểu 100 cổ phiếu/lô) để sở hữu nó, điều này đâu đó đã giới hạn khả năng giao dịch nói chung của Gen Z – đối tượng chưa thực sự sẵn sàng bỏ ra một khoản đầu tư lớn để đầu tư chứng khoán.

Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu “lô lẻ”, có nghĩa là giao dịch với số tiền, số cổ phiếu bất kỳ mà không quy định số tiền hay khối lượng giao dịch tối thiểu. Nếu bạn chỉ có 100.000 VNĐ để đầu tư, bạn vẫn có thể sở hữu khoảng 1,266 cổ phiếu XYZ với giá trị giao dịch trên thị trường của nó là 79.000 VNĐ/ cổ phiếu.

Nhưng khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, số lượng cổ phiếu không phải lúc nào cũng quan trọng. Nếu XYZ tăng 25%, bạn vẫn kiếm được 25% lợi nhuận từ số tiền đầu tư ban đầu của mình, ngay cả khi bạn chỉ sở hữu rất ít cổ phiếu đó.

Sức mạnh của sự kết hợp tạo “lãi kép”

Lý do lớn nhất tại sao Gen Z nên đầu tư ngay từ bây giờ là tiềm năng khai thác sức mạnh của “lãi kép”. Lãi kép được hiểu đơn giản là tái đầu tư lãi, nghĩa là sau khi sinh lời, lãi đó được dồn vào tiền vốn để tiếp tục cho một chu kỳ đầu tư tiếp theo, giống như ông bà ta thường nói "lãi mẹ đẻ lãi con". Giả sử, bạn đầu tư 100.000 VNĐ và kiếm được 10% mỗi năm trong vòng 10 năm.

Với lãi suất đơn bạn sẽ kiếm được 10.000 VNĐ mỗi năm và nhận được 200.000 VNĐ vào cuối năm thứ 10. Nhưng với lãi suất kép, bạn kiếm được tiền lãi từ cả phần tiền lãi, do đó sau 10 năm, giá trị danh mục đầu tư của bạn sẽ là 259.374 VNĐ.

Đầu tư sớm sẽ biến số tiền đầu tư nhỏ thành một khoản giá trị khổng lồ.
Đầu tư sớm sẽ biến số tiền đầu tư nhỏ thành một khoản giá trị khổng lồ.

Việc tính toán giá trị này thậm chí còn trở nên “kịch tính” hơn nếu bạn kéo dài khoảng thời gian đầu tư của mình, đó là lý do quan trọng trả lời cho câu hỏi “tại sao Gen Z nên bắt đầu đầu tư ngay bây giờ?”.

Thử làm một bài toán phức tạp hơn chút với số tiền ban đầu bạn bỏ ra là 1.000.000 VNĐ vào một khoản đầu tư sinh lời 10% mỗi năm, nhưng bạn cũng bỏ thêm 100.000 VNĐ mỗi tháng.

Nếu bạn bắt đầu đầu tư ở tuổi 20 và dừng đầu tư ở tuổi 65, vậy là bạn có 45 năm đầu tư cùng với lãi kép. Trong khoảng thời gian đó, tổng số tiền đầu tư của bạn sẽ là 55.000.000 VNĐ nhưng tổng giá trị khoản đầu tư sau 45 năm sẽ là 935.575.290 VNĐ… Một con số bất ngờ chưa?!

Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn “chỉ” đầu tư trong vòng 10 năm, tức là cho đến khi bạn 30 tuổi? Với các thông số tương tự là 1.000.000 VNĐ để bắt đầu, 100.000 VNĐ thêm vào mỗi tháng và 10% lợi nhuận hàng năm - số tiền đó sẽ tăng lên chỉ 353.331.680 VNĐ.

Hay để đạt được cùng một con số 935.575.290 VNĐ ở tuổi 30, trong khi bạn bắt đầu với 1.000.000 VNĐ ở tuổi 20, bạn sẽ phải tăng gần gấp ba lần - khoảng 280.000 VNĐ cho việc đầu tư mỗi tháng.

Điểm mấu chốt là bằng cách đầu tư sớm, bạn hoàn toàn có thể biến số tiền đầu tư tương đối nhỏ thành một khoản giá trị khổng lồ vào thời điểm bạn sẵn sàng để nghỉ hưu.

Thời gian để phục hồi từ mất mát

Ngoài sức mạnh lãi kép theo thời gian, khoảng thời gian đủ dài mà Gen Z dành cho các khoản đầu tư cũng có thể được chuyển thành thời gian để phục hồi sau khi khoản đầu tư bị giảm giá trị tạm thời do thị trường rơi vào chu kỳ giảm giá.

Chủ động ngăn ngừa rủi ro với kế hoạch đầu tư dài hạn.
Chủ động ngăn ngừa rủi ro với kế hoạch đầu tư dài hạn.

Nếu bạn đầu tư từ năm 20 tuổi đến năm 65 tuổi, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt vài lần với tình trạng “bear market – thị trường gấu”, là hiện tượng các loại chứng khoán rớt giá liên tục (ít nhất 20%) và diễn ra trong một thời gian dài (ít nhất từ 2 tháng trở lên).

Và không ai nghi ngờ rằng những đợt “bán tháo” đó thật đáng sợ… nhưng với tư cách là một nhà đầu tư trẻ, một nhà đầu tư Gen Z, bạn hoàn toàn có thời gian để phục hồi. Kể từ năm 1928, toàn cầu đã trải qua 25 lần “thị trường gấu”, thời gian kéo dài trung bình của “thị trường gấu” là khoảng 10 tháng và thị trường này năm 2020 chỉ kéo dài 33 ngày.

Do sự phát triển của nền kinh tế, theo thời gian, thị trường chứng khoán luôn phục hồi và đi lên mức cao mới. Là một nhà đầu tư Gen Z, nếu bạn có tầm nhìn dài hạn và loại bỏ được “biến số cảm xúc” trong phương trình đầu tư, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những đợt sụt giảm lớn của thị trường và thu lại những “chiến lợi phẩm” xứng đáng từ chiến lược đầu tư lâu dài của mình.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục