Cuộc khảo sát công bố ngày 10/7 đã xét nghiệm kháng thể với virus SARS-CoV-2 trong máu của khoảng 5.000 người trên toàn thành phố Jakarta từ ngày 15-31/3. Kết quả khảo sát cho thấy, 44,5% dân số thủ đô Jakarta đã mang kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo số liệu của chính phủ, Jakarta có khoảng 10,6 triệu dân. Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 4,7 triệu người có thể đã bị nhiễm virus tại thủ đô của Indonesia cho tới ngày 31/3.
“Qua cuộc khảo sát này, chúng tôi có thể ước tính tỷ lệ người dân Jakarta đã nhiễm virus SARS-CoV-2, cho dù có xác định bằng xét nghiệm PCR hay không”, Widyastuti, người đứng đầu Cơ quan Y tế Jakarta, cho biết.
Sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở thủ đô Jakarta xảy ra khi Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Indonesia đã ghi nhận khoảng hàng chục nghìn ca bệnh mới và lên tới 1.000 ca tử vong mỗi ngày do dịch bệnh.
Các bệnh viện trên khắp đất nước, đặc biệt là trên đảo Java, đã trở nên quá tải do sự bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Tiến sĩ Pandu Riono, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Indonesia, cho biết, cuộc khảo sát cho thấy một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
“Những người sống ở khu vực đông dân cư có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Chỉ số khối cơ thể càng cao thì càng dễ nhiễm virus, trong trường hợp này là những người thừa cân và béo phì. Những người có lượng đường trong máu cao cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn”, ông Riono nói.
Kết quả của khảo sát phù hợp với lo ngại của các chuyên gia y tế rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Indonesia có thể nghiêm trọng hơn so với số liệu chính thức được công bố. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin nói với CNN rằng, ban đầu các nhà chức trách không nhận ra rằng SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh như thế nào trong làn sóng Covid-19 mới nhất này.