“Trên nóng, dưới lạnh”
Theo số liệu tính đến ngày 12/12/2019 từ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, mặc dù chương trình phát triển vật liệu xây không nung được triển khai từ năm 2010, nhưng đến nay cả nước mới có 51 doanh nghiệp đạt tiêu chí về phát triển vật liệu xây không nung. Ban quản lý dự án tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam còn cho biết, số lượng vật liệu xây không nung mới chiếm 30% trong tổng số vật liệu xây bao.
Bên cạnh đó, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận từ các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung ở một số địa phương như: Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Bình…, không ít các chủ doanh nghiệp đều kêu khó, họ vẫn đơn độc, tự dò đường đi trong phát triển gạch không nung. Bởi các cơ chế chính sách đã có đủ, nhưng vấn đề áp dụng vào cuộc sống còn nhiều bất cập, chưa triệt để, thậm chí nhiều địa phương còn theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”.
Đơn cử, trong khi đang kêu gọi tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công, gạch đất nung truyền thống thì một số địa phương như Phú Thọ, Hải Dương… còn cho xây dựng thêm nhà máy gạch đất nung. Việc này tạo thêm nhiều khó khăn cho những nỗ lực của doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trong tiếp cận thị trường.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu cho biết, về cơ chế, chính sách chưa thực sự quan tâm đến định hướng phát triển của vật liệu xây không nung, chưa tạo được cơ chế cho sự phát triển. Chưa có chế tài xử phạt, chưa triệt để, dẫn đến một số địa phương vẫn cho mở một số lò sản xuất gạch đất nung mới. Các dự án bắt buộc phải xây bằng gạch không nung chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Thậm chí, làm hồ sơ phê duyệt thì có, nhưng khi tiến hành xây dựng thì không. Trong khi, thói quen thị trường chưa thực sự tin tưởng gạch không nung, thì một số địa phương chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất gạch không nung phát triển, họ còn khó khăn trong việc thủ tục đầu tư, rườm rà, gây mất thời gian, công sức và chi phí của doanh nghiệp.
“Đến nay đã 10 năm, nhưng chưa có hành lang bảo vệ doanh nghiệp sản xuất gạch không nung có quy mô, vẫn thả lỏng trong kiểm soát chất lượng, theo kiểu mạnh ai nấy làm, nhất là các hộ tư nhân dẫn đến tình trạng chất lượng bị ‘vàng thau lẫn lộn’, gây ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường. Bên cạnh đó, cũng chưa có định hướng về lựa chọn thiết bị công nghệ. Phần lớn trang thiết bị là máy móc đến từ Trung Quốc, nhập khẩu lắp rắp, ít sáng tạo, đổi mới, dẫn đến khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, lắp đặt, hướng dẫn vận hành và bảo hành. Các đơn vị sản xuất trong nước chưa đáp ứng được công nghệ, đồng bộ về chất lượng thiết bị”, ông Minh chia sẻ.
Đã một thập kỷ trôi qua, những “nút thắt” phát triển gạch không nung vẫn chưa được tháo gỡ
Cùng cảnh tương tự, ông Đức (xin được dấu tên công ty) giám đốc một doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với công suất 10 triệu viên/năm ở Lâm Thao, Phú Thọ cũng trần tình với chúng tôi về những khó khăn khi phát triển gạch không nung ở địa phương này. Theo ông Đức, gần như doanh nghiệp đang đơn độc trong phát triển gạch không nung, không được hưởng các ưu đãi về thuê đất hoặc vay vốn… theo chính sách đề ra.
“Thậm chí, đất trong khu cụm công nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng để thuê với thời gian 50 năm và không có một hỗ trợ nào từ địa phương, còn vốn thì 100% là tự có. Trong khi chúng tôi đang loay hoay tìm thị trường thì địa phương vẫn cho phát triển gạch đất nung với công suất lớn. Việc này gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp sản xuất gạch không nung. Bởi hiện nay, lượng tiêu thụ phần lớn là các dự án ngân sách nhà nước còn một lượng lớn thị trường trong dân thì chưa tiếp cận được, họ vẫn dùng gạch đất nung”, ông Đức cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Chính phủ đã có rất nhiều các cơ chế, chế tài, chính sách trong định hướng phát triển vật liệu xây không nung, tuy nhiên còn nhiều địa phương vẫn thờ ơ, chưa thấy được sự cấp thiết của việc bảo vệ môi trường.
Nhà nước là “điểm tựa”
Để xảy ra hiện trạng trên cũng là điều dễ hiểu khi nhiều địa phương vẫn dung túng cho lò gạch nung thủ công tồn tại, phát triển gạch nung theo hướng sản xuất công nghiệp hàng loạt (lò gạch tuynel). Ở góc độ khác, chiếu theo quy định của Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng, các công trình từ 9 tầng phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung.
Tuy nhiên, rất nhiều dự án bất động sản trên cả nước hiện nay sử dụng 100% vật liệu xây tường là gạch nung, trong đó có phải kể đến địa bàn TP.HCM - nơi đang phát triển rất nhiều dự án chung cư, (có cả các dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài) sử dụng 100% gạch nung. Các chủ đầu tư vẫn chấp nhận chịu phạt để xây gạch đất nung như: Moonlight Boulevard tọa lạc tại 510 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân do Tập đoàn Hưng Thịnh Land là chủ đầu tư; Khu căn hộ Green Town Bình Tân tọa lạc tại Lô 5, Khu đô thị Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân do IDA Việt Nam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư…
Do đó, theo ông Trần Thanh Minh, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển gạch không nung. Vì chỉ khi chính các cơ chế chính sách hỗ trợ cũng như định hướng thị trường, tuyên truyền… tốt thì doanh nghiệp mới phát triển. Thậm chí, cần có chế tài mạnh hơn nữa để xử phạt những trường hợp vi phạm về sử dụng gạch không nung trong các dự án bất động sản.
“Tức là các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung cần Nhà nước làm ‘điểm tựa’ trong quá trình phát triển của mình”, ông Minh chia sẻ.
Ông Lương Hải Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Thành Đạt cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền về gạch không nung để người dân hiểu và thực hiện. Đồng thời, cũng cần thực hiện đầy đủ việc thí nghiệm, kiểm tra chất lượng gạch tương ứng với từng lô hàng gạch sử dụng vào công trình, sàng lọc doanh nghiệp kiểm soát về chất lượng sản phẩm ở từng doanh nghiệp, tránh việc sản phẩm lỗi, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích người sử dụng. Bởi hiện nay, Thông tư 13 của Bộ Xây dựng mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính mà chưa có khuyến khích về mặt kinh tế, nên người sản xuất, tiêu dùng bằng cách này, cách khác vẫn có thể “lách luật”.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục ban hành tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu các kết cấu xây sử dụng vật liệu xây không nung, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung vào các công trình; đặc biệt là lực lượng trực tiếp sản xuất và thi công.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com