Gác lại nghi ngờ, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay trở lại đà tăng ấn tượng trong phiên ngày thứ Sáu (9/7), khép lại tuần thứ ba liên tiếp tăng điểm sau khi thị trường tạm gác lại những ngờ vực xung quanh mức độ vững chắc của đà phục hồi kinh tế.
Gác lại nghi ngờ, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

Cuối tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 7 điểm cơ bản lên 1,36%, cắt đứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp đồng thời xoa dịu lo ngại về sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế. Lợi suất liên tục giảm trong những phiên gần đây đã khiến nhà đầu tư hoang mang.

Mặt khác, theo các nhà phân tích của FactSet, doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến ​​ sẽ tăng 63,6% trong quý II/2021 so với cùng kỳ, đây sẽ là mức tăng cao nhất kể từ quý IV/2009.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu đã ký một sắc lệnh mới nhắm vào các hoạt động cạnh tranh của những ông lớn công nghệ nhằm trấn áp các hành vi phản cạnh tranh và chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ nói riêng. Sắc lệnh này bao gồm 72 hành động và khuyến nghị liên quan đến hàng chục cơ quan liên bang.

Trong khi đó, các biện pháp hạn chế do đại dịch bùng phát trở lại đã được thắt chặt ở châu Á và châu Âu. Cảnh báo về đại dịch của Seoul đã được nâng lên mức cao nhất, Hà Lan đã công bố các bước mới và quy định giãn cách xã hội cũng được thắt chặt ở Sydney, một ngày sau khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư tại Tokyo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi được điều chỉnh giảm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ ở mức 8,9%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 1.000 tỷ NDT (khoảng 154,43 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.

Về dữ kinh tế Mỹ, tồn kho bán buôn của Mỹ đã tăng 1,3% trong tháng 5, cao hơn so với mức 1,1% mà các nhà kinh tế dự đoán, cho thấy hàng tồn kho vẫn khan hiếm trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng cao trước sự phục hồi từ đại dịch.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Dow Jones tăng 448,23 điểm (+1,30%), lên 34.870,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,73 điểm (+1,13%), lên 4.369,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 142,13 điểm (+0,98%), lên 14.701,92 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 0,24%, S&P 500 tăng 0,40%, Nasdaq Composite tăng 0,43%

Chứng khoán châu Âu phủ sắc xanh trong phiên ngày thứ Sáu, đánh dấu phiên giao dịch tốt nhất trong hai tháng và xóa bỏ toàn bộ đà giảm trong tuần khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc sau những phiên bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay do lo ngại về đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 91,22 điểm (+1,30%), lên 7.121,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 267,29 điểm (+1,73%), lên 15.687,93. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 132,69 điểm (+2,07%), lên 6.529,42 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,02%, DAX tăng 0,24%, CAC 40 giảm 0,36%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 tuần do lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm lại sau khi Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh ngay từ sớm, nhưng đã hồi phục về cuối phiên và đóng cửa chỉ còn mất điểm nhẹ.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong hơn 4 tháng, do nhóm cổ phiếu công nghệ đang bị đàn áp bởi những quy định về chống độc quyền từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục suy yếu do áp lực từ số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng.

Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 177,61 điểm (-0,63%), xuống 27.940,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,42 điểm (-0,04%), xuống 3.524,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 191,41 điểm (+0,70%), lên 27.344,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 34,73 điểm (-1,07%), xuống 3.217,95 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 2,93%, Shanghai Composite tăng 0,15%, Hang Seng giảm 3,41%, KOSPI giảm 1,94%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu tăng nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ mức thấp và lực mua kim loại quý trú ẩn an toàn gia tăng, do căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung leo thang sau khi Mỹ đưa thêm 23 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Kết thúc phiên 9/7, giá vàng giao ngay tăng 4,80 USD (+0,26%), lên 1.807,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,40 USD (+0,58%), lên 1.810,60 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 20,6 USD/ounce, tương đương +1,15%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 12 người dự báo vàng sẽ tăng giá, có 2 người nhận định giá vàng giảm và 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 902 người tham gia, 61% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá vàng giảm và 19% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tăng trở lại vào thứ Sáu khi thị trường phản ứng với việc tồn kho nhiên liệu của Mỹ giảm, đồng thời các dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ hỗ trợ thêm cho giá dầu.

Dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ giảm và nhu cầu xăng đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 báo hiệu sức mạnh gia tăng trong nền kinh tế, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA)cho biết hôm 8/7.

Kết thúc phiên 9/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,62 USD (+2,2%), lên 74,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,43 USD (+1,93%), lên 75,55 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI giảm 0,8%, dầu Brent giảm 0,8%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,169.93 -23.08 -1.97% 116,472 tỷ
HNX 219.75 -6.44 -2.93% 1,429 tỷ
UPCOM 87.05 -1.1 -1.27% 403 tỷ