Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed được công bố hôm thứ Tư, các nhà hoạch định chính sách tại Fed cảm thấy quá trình phục hồi kinh tế chưa có sự tiến bộ thật sự đáng kể, cũng như nhìn chung chưa đạt tới mức mà học mong muốn, nhưng nhất trí rằng Fed cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động nếu lạm phát hoặc các rủi ro khác trở thành hiện thực.
Sự “mềm mỏng” bất ngờ của Fed đã xoa dịu nỗi lo thắt chặt chính sách âm ỉ trên thị trường trong thời gian gần đây.
Lợi suất trái phiếu giảm và thị trường chứng khoán leo dốc sau khi biên bản được công bố. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức 1,296% vào ngày thứ Tư.
Lo ngại về lãi suất hạ nhiệt khiến các nhà đầu tư quay lại với cổ phiếu công nghệ lớn. Cổ phiếu Apple tăng 1,8%, cổ phiếu Amazon tăng gần 0,6% trong phiên đêm qua.
Mặt khác, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết đã phạt một số tập đoàn công nghệ nước này, bao gồm những “gã khổng lồ” Didi, Tencent và Alibaba vì không báo cáo các giao dịch mua bán và sáp nhập trước đây. Giá cổ phiếu Didi niêm yết tại Mỹ giảm 4,6% trong phiên đêm, sau khi giảm gần 20% trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones tăng 104,42 điểm (+0,3%), lên 34.681,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,59 điểm (+0,34%), lên 4.358,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,42 điểm (+0,01%), lên 14.665,06 điểm.
Chứng khoán châu Âu quay đầu tăng điểm trong ngày thứ Tư khi nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa phục hồi từ mức giảm mạnh trong phiên trước, trong khi lợi suất trái phiếu giảm tiếp tục hỗ trợ cho các cổ phiếu công nghệ được định giá cao.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,14 điểm (+0,71%), lên 7.151,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 181,33 điểm (+1,17%), lên 15.692,71. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,24 điểm (+0,31%), lên 6.527,72 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do các cổ phiếu liên quan đến chip lùi bước và lo lắng về sự bùng phát trở lại của Covid-19 trước Thế vận hội Tokyo đè nặng tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ sức mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu khởi nghiệp tại Thâm Quyến và Thị trường STAR tập trung vào nhóm công nghệ tại Thượng Hải.
Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ bảy liên tiếp sau khi Bắc Kinh tăng cường giám sát các công ty niêm yết ở nước ngoài về bảo mật dữ liệu.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng suy yếu khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng lên mức cao nhất trong một ngày.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,26 điểm (-0,96%), xuống 28.366,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,46 điểm (+0,66%), lên 3.553,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 112,24 điểm (-0,40%), xuống 27.960,62 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 19,87 điểm (-0,60%), xuống 3.285,34 điểm.
Giá vàng phiên ngày thứ Tư tiếp tục tăng sau phiên biến động mạnh quanh ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD vẫn đang mạnh lên, diễn biến dịch Covid-19 trở nên khó lường hơn. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu giảm đã hỗ trợ cho gái vàng .
Kết thúc phiên 7/7, giá vàng giao tăng 6,9 USD (+0,51%), lên 1.803,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 7,90 USD (+0,44%), lên 1.802,10 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục lao dốc vào thứ Tư sau một phiên giao dịch bập bênh khác khi các nhà đầu tư thận trọng suy đoán sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán gần đây với UAE có ý nghĩa gì đối với OPEC+ cũng như các nhà sản xuất dầu khác trên thế giới.
Hiện tại, thỏa thuận hạn chế nguồn cung của OPEC+ vẫn có hiệu lực nhưng sự cố UAE cũng có thể khiến các nhà sản xuất mong muốn tận dụng sự phục hồi của nhu cầu và bắt đầu tăng nguồn cung nhiều hơn vào thị trường.
Ba nguồn tin OPEC+ cho biết, Nga hiện đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm khép lại sự chia rẽ giữa Ả Rập Xê-út và UAE để giúp đạt được thỏa thuận về kế hoạc tăng sản lượng dầu trong những tháng tới.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, cũng cho biết đã giảm bớt lo ngại về cuộc chiến giá dầu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Ba.
Bên cạnh đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/7, theo 2 nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ. Dữ liệu chính thức về hàng tồn kho của chính phủ sẽ được công bố vào thứ Năm (8/7).
Kết thúc phiên 7/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,17 USD (-1,6%), xuống 72,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,1 USD (-1,5%), xuống 73,43 USD/thùng.