Bất ổn vây quanh, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall mất điểm vào thứ Năm (8/7) sau một phiên bán tháo trên diện rộng do những bất ổn xung quanh tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ.
Bất ổn vây quanh, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Đầu ngày thứ Năm, thị trường đón báo cáo thất nghiệp hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhẹ lên mức 373.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 3/7, cao hơn dự báo 350.000 đơn của các chuyên gia và là một dấu hiệu khác cho thấy đà phục hồi khó khăn của thị trường lao động sau đại dịch.

Dữ liệu có thể vẫn còn biến động trong những tuần tới khi 25 tiểu bang với hầu hết các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa rút khỏi các chương trình trợ cấp thất nghiệp do chính phủ liên bang tài trợ, bao gồm một khoản trợ cấp 300 USD hàng tuần mà các doanh nghiệp phàn nàn là “khuyến khích những người thất nghiệp tiếp tục ở nhà”.

Mặt khác, nhận thấy những rạn nứt trong đà phục hồi kinh tế Mỹ, các nhà đầu tư vào vị thế bán khống trên thị trường trái phiếu. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm phiên thứ tám liên tiếp đêm qua.

Mặt khác, việc Bắc Kinh liên tục trấn áp các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tại quê nhà đã gây ra tâm lý ngại rủi ro. Kể từ khi mở màn đòn trừng phạt vào cuối tuần trước ứng dụng gọi xe Didi, Bắc Kinh đã mở rộng giám sát của mình đối với cả những tên tuổi khác ngoài lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu Didi giảm 5,9%, trong khi Alibaba và Baidu giảm lần lượt 3,9% và 3,7% trong phiên đêm qua.

Các ngân hàng lớn sẽ bắt đầu báo cáo kết quả kinh doanh quý II vào tuần tới. Theo Refinitiv, các nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng thu nhập cả năm là 65,4% đối các công ty thuộc S&P 500, tăng hơn so với mức dự báo tăng trưởng 54% được đưa ra vào đầu quý.

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 259,86 điểm (-0,75%), xuống 34.421,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,31 điểm (-0,86%), xuống 4.320,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 105,28 điểm (-0,72%), xuống 14.339,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu lao dốc hôm thứ Năm, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hai tháng qua với tất cả các ngành chìm trong sắc đỏ do lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế khiến các nhà đầu tư chuyển sang thị trường trái phiếu.

Các chỉ số kinh tế suy giảm từ “lục địa già” cho tới Mỹ cũng như Trung Quốc gần đây đã làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng thời sự lây lan của biến thể mới và tốc độ gia tăng các ca nhiễm đang gây nhiều trở ngại lớn cho nhiều quốc gia.

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 120,36 điểm (-1,68%), xuống 7.030,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2272,07 điểm (-1,73%), xuống 15.420,64. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 130,99 điểm (-2,01%), xuống 6.306,73 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi nước này tái áp dụng tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do các công ty tài chính và năng lượng đè nặng, trong khi các nhà đầu tư đứng ngoài, cân nhắc gợi ý bất ngờ của Bắc Kinh về việc nới lỏng tiền tệ.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, khi các công ty công nghệ bị bán tháo do những quy định mới khắt khe hơn từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần hai tháng, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong một ngày lên mức kỷ lục đã khiến các nhà chức trách xem xét áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc ở thủ đô Seoul.

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 248,92 điểm (-0,88%), xuống 28.118,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,21 điểm (-0,79%), xuống 3.525,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 807,49 điểm (-2,89%), xuống 27.153,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 32,66 điểm (-0,99%), xuống 3.252,68 điểm.

Giá vàng đem qua giảm nhẹ sau một phiên giao dịch biến động trong bối cảnh chứng khoán chìm trong sắc đỏ, đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm.

Kết thúc phiên 8/7, giá vàng giao ngay giảm 0,30 USD (-0,02%), xuống 1.803,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 7,90 USD (+0,44%), lên 1.802,10 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục lao dốc phiên thứ ba liên tiếp vào hôm thứ Năm trong bối cảnh nguồn cung không có gì chắc chắn sau khi cuộc đàm phán đổ vỡ của OPEC+ có khả năng khiến thỏa thuận sản lượng hiện tại bị hủy bỏ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hôm thứ Năm cho biết, sản lượng dầu bình quân của Mỹ trong năm nay dự kiến ​​sẽ đạt 11,10 triệu thùng/ngày, tức là giảm 210.000 thùng/ngày so với năm 2020, thấp hơn so với mức giảm được dự báo trước đó là 230.000 thùng/ngày.

Kết thúc phiên 8/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,33 USD (-0,5%), xuống 71,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,3%), xuống 73,20 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ