Gã khổng lồ thép Ấn Độ tuyên bố đóng cửa nhà máy tại Anh

Từng rút khỏi dự án “bánh vẽ” 5 tỷ USD ở Vũng Áng (Việt Nam) năm 2014, gã khổng lồ thép Tata Steel (Ấn Độ) mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa một nhà máy tại Vương Quốc Anh.
Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường là nguyên nhân chính khiến Tata Steel đóng cửa nhà máy Orb. Nguồn ảnh: Guardian Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường là nguyên nhân chính khiến Tata Steel đóng cửa nhà máy Orb. Nguồn ảnh: Guardian

Theo tờ Guardian, nhà máy Orb - đơn vị chuyên sản xuất thép dùng cho máy biến áp của Tata - sẽ đóng cửa sau 121 năm hoạt động. Nhà máy được đặt tại thành phố Newport, miền nam xứ Wales. Ngoài ra, Tata cũng cũng sẽ đóng cửa một trung tâm dịch vụ tại thành phố Wolverhampton.

Việc Tata Steel tuyên bố đóng cửa hai cơ sở trên có thể khiến hơn 400 nhân sự đứng trước nguy cơ mất việc, đồng thời đẩy ngành thép nước Anh vào tình thế khó hơn.

“Tôi biết việc đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ họ,” Henrik Adam, CEO của Tata Steel tại châu Âu nói.

Phía Tata khẳng định việc đóng cửa nhà máy Orb không liên quan gì đến Brexit mà nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc và Nhật Bản.

Tony Brady, chuyên gia ngành thép tại Công đoàn thương mại Unite Union của Anh cho rằng, việc đóng cửa nhà máy Orb là đòn mạnh giáng lên kinh tế xứ Wales. Unite Union sẽ đấu tranh để bảo vệ việc làm cho người lao động bằng cách yêu cầu Tata Steel cam kết những lao động bị ảnh hưởng sẽ có việc trở lại.

Do những khoản lỗ đáng kể, nhà máy thép Orb thuộc sở hữu của Cogent - một công ty con của Tata - đã không vào tầm ngắm của nhà đầu tư, dù được chào bán từ năm ngoái.

Sẽ tốn khoảng 50 triệu bảng Anh cho việc nâng cấp nhà máy Orb để đáp ứng nhu cầu khách hàng, tuy nhiên “việc tiếp tục bù lỗ cho nhà máy này không thể kéo dài thêm trong bối cảnh ngành thép châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức lớn,” ông Henrik Adam cho biết.

Như Báo Đầu tư điện tử đã thông tin, tháng 2/2014 Tata Steel quyết định “chia tay” dự án liên hợp thép tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, với công suất 4,5 triệu tấn/năm và vốn đầu tư ước tính khoảng 5 tỷ USD.

Tata bắt đầu theo đuổi dự án thép này từ năm 2007. Tháng 8/2013, ba bên từng ký biên bản ghi nhớ và hợp tác liên doanh thành lập dự án, gồm Tập đoàn Tata góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Xi măng Việt Nam góp 35%, đã cùng ký thỏa thuận chấm dứt và dừng các hoạt động liên quan cũng như giải phóng trách nhiệm của các bên tại dự án.

Chi phí chung bỏ ra cho dự án này gần như là chưa có gì, ngoại trừ chi phí Tata Steel bỏ ra để thử nghiệm sản xuất thép từ quặng sắt Thạch Khê. Kết quả thử nghiệm cho thấy, quặng sắt Thạch Khê phù hợp với công nghệ sản xuất thép mà Tata Steel đưa ra.

Nguyên nhân chia tay dự án được cho là do chậm trễ trong phê duyệt và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức.

Thành lập năm 1907, Tata Steel hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sản lượng thép thô của Tata tại Ấn Độ đạt gần 13 triệu tấn/năm, doanh thu đạt 7,889 tỷ USD trong năm tài khóa 2017. Tata Steel là nhà sản xuất thép lớn thứ 2 tại châu Âu với sản lượng thép thô hàng năm lên đến 12,1 triệu tấn/năm. 

Lê Quân (Guardian)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục