Dựa trên báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phân tích dữ liệu các bài báo về chủ đề thương chiến Mỹ - Trung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, sự bất ổn trong chính sách thương mại "đã tăng lên một mức độ chưa từng thấy kể từ những năm 1970".
Mặt khác, theo nghiên cứu của Fed, tình trạng leo thang căng thẳng đã gây ra sự suy giảm hoạt động kinh tế do các doanh nghiệp sản xuất chậm lại và giảm đầu tư.
Fed đưa ra kết luận, cả ở Mỹ và trên phạm vi toàn cầu, tác động của thương chiến Mỹ - Trung rơi vào khoảng 1% GDP.
Theo ước tính của Reuters, hiện tại GDP của Mỹ ước tính vào khoảng 20.000 tỷ USD và GDP toàn cầu là khoảng 85.000 tỷ USD. Như vậy, thương chiến sẽ làm cho Mỹ mất khoảng 200 tỷ USD và thế giới mất khoảng 850 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất của để hỗ trợ nền kinh tế và bù đắp những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed tuyên bố, họ sẽ không để chính trị tác động đến chính sách lãi suất. Họ cho rằng, các chính sách về thuế quan của chính quyền ông Trump gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed tháng trước đã phát biểu, sự bất ổn trong chính sách thương mại là một lý do quan trọng dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu và nền sản xuất yếu kém của Mỹ.
Ông Charles Evans, Chủ tịch Fed Chicago hôm thứ Tư (4/9) cũng lập luận rằng, căng thẳng thương mại gia tăng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Mỹ xuống 1,5% mỗi năm, mức chỉ bằng một nửa so với những gì ông Trump hứa hẹn.
Chiến tranh thương mại đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2018, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã đáp trả Washington bằng các biện pháp thuế quan tương tự.
Hai bên đã nhiều lần đàm phán thỏa thuận để có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại, nhưng đến thời điểm hiện tại cuộc chiến vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Vòng tham vấn thương mại tiếp theo dự kiến diễn ra tại Washington vào đầu tháng 10.