Tỷ giá trong tầm kiểm soát
Mỗi lần Fed nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền của các nước đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá. Đây là một trong những rủi ro gây ra sức ép đối với tỷ giá và lãi suất của Việt Nam.
Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 của Fed trong vòng 6 tháng. Nhìn lại thời điểm Fed tăng lãi suất trong 2 lần gần đây (cuối năm 2015 và 2016) thì tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát khá ổn định. Tuy nhiên, với lộ trình dự kiến tăng 3 lần trong năm 2017, liệu biến động tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm có thể căng thẳng hơn so với hai năm trước?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, đồng USD chưa có nhiều phản ứng và giao dịch khá ổn định. Chỉ số DXY phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất trong 8 tháng, tăng +0,58% lên 97,27 điểm.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn (SSI)
Cũng trong tuần trước, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và chưa tiết lộ gì về kế hoạch cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tỷ giá EUR/USD đã giảm nhẹ 0,43%. Trong khi đó, tỷ giá GBP/USD giảm mạnh 1,23% sau khi nước này tiến hành bầu cử trong tuần qua.
Diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây cũng cho thấy đồng USD chưa phát huy được “sức mạnh”, nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa tạo ra đột phá, chưa kể các rủi ro liên quan đến chính trị tại Mỹ ngày càng gia tăng.
Lần tăng lãi suất này của FED không nằm ngoài dự đoán, song hai lý do mà vẫn có những ý kiến cho rằng FED sẽ phải cân nhắc là lạm phát chững lại và nợ chính phủ. Nếu FED tăng lãi suất, nợ chính phủ sẽ tăng nhanh hơn thời hạn Quốc hội có thể phê duyệt khoản chi mới.
Một yếu tố được đưa ra bàn luận khi FED có ý định nâng lãi suất chính là lạm phát. Nhiều chuyên gia dự báo, việc tăng lãi suất lần này với FED, việc làm vẫn là yếu tố then chốt.
Ngoài ra, Fed còn dự tính sẽ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9 tới. Cùng với việc nâng lãi suất, Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 lên mức 2,2%, cao hơn mức dự báo 2,1% hồi tháng 3/2017, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp cũng được dự báo giảm nhiều hơn trong năm nay, ở mức 4,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,5%. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến ở mức 1,7% vào cuối năm nay, thấp hơn mức 1,9% từng đưa ra trước đó.
Về lý thuyết, việc FED tăng lãi suất sẽ khuyến khích các nhà đầu tư rút tiền từ nhiều nơi trên thế giới và chuyển sang Mỹ, khiến đồng USD sẽ lên giá và nhiều đồng tiền khác bị giảm giá. Tuy nhiên, diễn biến thực tế tại thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang có phần ngược lại.
Dù dự báo được khả năng tăng lãi suất là rất cao từ trước thời điểm FED công bố chính thức, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tích cực và khối ngoại vẫn duy trì được đà mua ròng. Bởi thực tế, những yếu tố quyết định xu hướng thị trường và dòng vốn ngoại là kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, quy mô thị trường chứng khoán gia tăng, có thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cao được niêm yết và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi khi đồng USD tăng giá? Mặc dù chính sách tiền tệ có biến động cũng như giá vàng có biến đổi tích cực đôi chút thì giới đầu tư vẫn kỳ vọng cổ phiếu vẫn là kênh hấp dẫn nhất, bởi ở thời điểm hiện tại, môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô vẫn khá ổn định cho việc đầu tư cổ phiếu trong khi các kênh khác tỷ suất sinh lời không cao.
Nếu tỷ giá “dậy sóng”, nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng
Nếu xét ở mặt tích cực, việc tăng FED tăng lãi suất USD sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngược lại, sẽ khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nhập khâu khi phải quy đổi từ tiền VND sang tiền USD để thanh toán, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ càng bất lợi khi USD tăng.
Điều mà các doanh nghiệp lo ngại không hẳn là tỷ giá USD/VND tăng mà là lo ngại điều này sẽ tác động đến tỷ giá EUR/USD
Chia sẻ với Đầu tư chứng khoán, Tổng giám đốc của một doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE cho biết, đợt tăng lãi suất lần thứ nhất của Fed trong năm 2017 (tháng 3) cũng đã tác động đến biến động tỷ giá các đồng tiền khác. Riêng tỷ giá USD/VND cũng tăng hơn 1% nên dư địa để tăng mạnh từ nay đến cuối năm có thể không lớn, nhưng không có nghĩa là ổn định.
Lãi suất USD tăng ít nhiều sẽ có tác động đến các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD. Với khoản vay lên đến khoảng 120 triệu USD, vị này cho biết, nếu tỷ giá USD không được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trích lập dự phòng các khoản vay bằng ngoại tệ của Công ty.
“Hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng khi tỷ giá USD/VND biến động, bởi định kỳ, Công ty sẽ phải đánh giá lại nợ bằng VND khi tỷ giá biến động, từ đó phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại dư nợ gốc ngoại tệ” vị này cho biết.
Nhưng nếu vay ngoại tệ và xuất khẩu thu về bằng ngoại tệ thì sẽ cân bằng được, và hiện nay khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có hoạt động như vậy.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn (GMC) cho biết, đồng USD có thể trước mắt chưa tác động ngay đến tỷ giá USD/VND song về lâu dài tỷ giá này sẽ có biến động theo quy luật tự nhiên. Hiện tại, GMC đang vay vốn bằng USD nhưng Công ty lại xuất khẩu 100% mặt hàng sản xuất ra nước ngoài nên nguồn thu về cũng bằng USD.
Đồng USD có thể trước mắt chưa tác động ngay đến tỷ giá USD/VND song về lâu dài tỷ giá này sẽ có biến động theo quy luật tự nhiên.
- Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn (GMC)
Ông Hùng cho biết, điều mà các doanh nghiệp lo ngại không hẳn là tỷ giá USD/VND tăng mà là lo ngại điều này sẽ tác động đến tỷ giá EUR/USD khi EUR giảm sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu thu trên thị trường châu Âu, vì đây là thị trường xuất khẩu rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng có những doanh nghiệp dù có lượng vay ngoại tệ rất lớn song với chính sách “bảo hộ” riêng cũng giúp các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) là một trường hợp điển hình.
Khi tiến hành IPO Đạm Cà Mau, Tập đoàn dầu khí (PVN) đã cam kết sẽ đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DCM đạt tỷ lệ bình quân 12% trong giai đoạn 2015 - 2018. Do đó đến cuối năm, PVN sẽ tính toán lại giá khí đầu vào của DCM để đảm bảo mức lợi nhuận này. Vì vậy, dù chi phí lỗ tỷ giá của DCM có ở mức cao cũng sẽ được bù đắp bởi giá khí đầu vào thấp vào cuối năm.
Việc giảm tỷ giá VND/USD trong năm 2016 đã buộc DCM phải hạch toán lỗ tỷ giá trong năm 2016, mặc dù kết quả kinh doanh chính của DCM rất tốt và kịch bản 2017 sẽ tiếp tục lặp lại. Câu hỏi đặt ra đối với DCM là sau năm 2018, khi những cam kết của PVN hết hiệu lực.
Có rất nhiều giải pháp để phòng ngừa rủi ro từ biến động tỷ giá như chuyển các hợp đồng vay ngoại tệ sang hợp đồng vay VND, đặc biệt là khi lãi suất vay đang thấp, mua các sản phẩm phái sinh để cố định tỷ giá; cân đối các nguồn thu ngoại tệ để đảm bảo dòng tiền trả nợ trong kỳ… Tuy nhiên, tùy vào hoạt động kinh doanh thực tế, doanh nghiệp sẽ có các giải pháp phù hợp.