Fed tăng lãi suất, áp lực “nguội” dần

(ĐTCK) Diễn biến cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 13 và 14/6 tới đang được thị trường quan tâm, khi khả năng Fed tăng lãi suất USD gần như chắc chắn.
TTCK Việt Nam đã dần thích nghi với các đợt tăng lãi suất của Fed TTCK Việt Nam đã dần thích nghi với các đợt tăng lãi suất của Fed

Fed chắc tăng lãi suất USD lên 1,25%/năm

Với tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất USD trong phiên họp ngày 14/6/2017 lên tới 100%, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, mức tăng thêm cũng gần như chắc chắn là 0,25%/năm, lên 1,25%/năm.

Như vậy, đây sẽ là lần nâng lãi suất thứ 3 của Fed trong vòng 6 tháng, một tốc độ đã được dự báo trước sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, điều mà thị trường 6 tháng trước khó hình dung được, đó là xu hướng đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ.

Theo logic, khi Fed nâng lãi suất, đồng USD sẽ lên giá và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng theo (đồng nghĩa giá trái phiếu giảm). Đây là phản ứng trong 2 tháng đầu tiên sau bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, Báo cáo phân tích của SSI cho biết, những rào cản đối với ông Trump khi thực thi chính sách tài khóa và lo lắng “đồng USD quá mạnh” đã khiến cả lợi tức trái phiếu và đồng USD giảm.

Chỉ số Dollar Index đã giảm về mức 97, thấp hơn cả thời điểm ông Trump thắng cử. Một nhân tố rất nhất quán trong chính sách của Chính quyền Donald Trump và ảnh hưởng của nó tới thị trường ngày một rõ nét, đó là chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

Các chính sách tài khóa hướng đến đầu tư hạ tầng, cắt giảm chi tiêu ngân sách để giảm thuế, rút khỏi các hiệp ước môi trường để giảm bớt chi phí, tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp…, đều làm tăng kỳ vọng với tăng trưởng của doanh nghiệp Mỹ.

Chỉ  số S&P 500 nhờ đó đã  liên tục tăng vượt đỉnh. Ngày 2/6, đỉnh cao mới của S&P 500 là 2.439 điểm, tăng 14% kể từ khi ông Trump thắng cử.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Phòng Phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, khả năng Fed sẽ có thêm một lần tăng lãi suất trong kỳ họp tới là rất cao.

Cơ sở đằng sau dự báo này, theo ông Bình đó là: thứ nhất, theo biên bản cuộc họp đầu tháng 5 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), đa số quan chức Fed nghiêng về khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng này, mặc dù họ đặt ra điều kiện là phải chờ đợi bằng chứng cho thấy việc hoạt động kinh tế chậm lại trong quý I chỉ là một sự chuyển tiếp.

Nhưng trên thực tế, tính chu kỳ của quý đầu năm và quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới có thể được xem là những lý do có thể chấp nhận và lý giải được cho tín hiệu chững lại trong quý I.

Thứ hai, theo kỳ vọng và dự đoán của thị trường, được tính toán dựa trên biến động giá của các hợp đồng tương lai giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 đã lên tới trên 95%.

Trong quá khứ, mỗi khi mức xác suất mà thị trường kỳ vọng tăng cao trên 60%, thì Fed thường thuận theo ý kiến của số đông.

Rủi ro về tỷ giá và lãi suất “nguội” dần

Nhiều phân tích cũng chỉ ra rằng, nếu Fed tăng lãi suất ngay trong tháng 6 sẽ tạo ra các kỳ vọng kém tích cực đối với triển vọng thị trường. Về nguyên lý thì đúng là như vậy, khi Fed tăng lãi suất sẽ đồng nghĩa với sự mạnh lên của đồng USD và đây là một trong những rủi ro gây ra sức ép đối với tỷ giá và lãi suất tiền đồng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, trên thực tế, câu chuyện tỷ giá và lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều biến số khác như biến động tương quan của các đồng tiền chủ chốt khác (đồng USD dù có nhiều ảnh hưởng, nhưng chỉ là 1 trong 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu) và triển vọng tăng trưởng mang tính nội tại của nền kinh tế trong nước (sẽ quyết định đến tính hấp dẫn các dòng vốn FDI, FII và xu hướng lãi suất).

“Đây không phải là một câu chuyện mới và đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến tăng của đồng USD trong các năm trước. Từ đầu năm 2017, sau đợt điều chỉnh lãi suất trong tháng 12/2016 đến nay, chỉ số Dollar Index trên thực tế lại có xu hướng giảm, bất chấp các đợt tăng lãi suất của Fed. Điều này cho thấy, thị trường luôn phản ánh trước yếu tố kỳ vọng và mang tính đón đầu hơn là theo đuôi”, ông Bình nhận định.

Như vậy, ở góc độ quan sát này, các áp lực về tỷ giá và lãi suất đối với Việt Nam là không nhiều, nếu không muốn nói là có phần ngược chiều trong giai đoạn gần đây.

Thực tế trên TTCK Việt Nam, tác động của việc Fed tăng lãi suất USD đã không còn lớn, bởi đã nằm trong tính toán của các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, hay nói cách khác, đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến thị trường.

Nhìn lại diễn biến của thị trường cho thấy, thông thường, khi gần tới thời điểm Fed họp, với khả năng tăng lãi suất được đánh giá ở mức cao, thị trường thường chịu áp lực điều chỉnh. Song, những áp lực này cũng dần “nguội” qua các đợt điều chỉnh lãi suất vào tháng 12/2016 và tháng 3/2017 vừa qua. Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong lần điều chỉnh tiếp theo của Fed.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.67 -4.51 -0.35% 201,358 tỷ
HNX 243.05 -0.86 -0.36% 1,618 tỷ
UPCOM 91.37 -0.11 -0.12% 585 tỷ