Vốn ngoại không ngại Fed

(ĐTCK) Sức hút của USD sẽ gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, song điều này khó có thể trở thành rào cản với dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Khả năng đồng USD sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới Khả năng đồng USD sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới

Sức mạnh của USD được củng cố trong thời gian qua, nhờ những tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế Mỹ và việc Fed quyết định nâng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Các dự báo còn cho thấy, khả năng đồng USD sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới nếu lộ trình tăng lãi suất của Fed được thực hiện như kế hoạch đưa ra trước đó.

Đồng bạc xanh mạnh lên trong thời gian qua phần nào cũng nhờ kỳ vọng chính sách mới của Tổng thống Donald Trump như giảm thuế thu nhập, giảm thuế doanh nghiệp, hay việc thu hút các tập đoàn lớn của Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài đầu tư về trong nước như Google, Microsoft…, sẽ tác động tích cực đến đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Tiền đồng vẫn trong xu thế giảm giá so với USD từ năm 2015 trước áp lực USD liên tục tăng giá và Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ. Năm 2017, Fed có kế hoạch nâng lãi suất 3 lần, mỗi lần tăng 0,25%/năm và đã điều chỉnh lần thứ nhất vào giữa tháng 3/2017, trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ liên tục được cải thiện, thị trường việc làm tốt lên và lạm phát tiệm cận lên vùng mục tiêu.

Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, lộ trình tăng lãi suất của Fed nếu được thực hiện, USD thêm sức hấp dẫn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ trì hoãn kế hoạch đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Ông Andy Ho

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá bi quan. Việc đồng USD, cũng như chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong thời gian qua ngoài lý do Fed tăng lãi suất, thì còn do kỳ vọng vào những chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Nếu các chính sách của ông Trump đưa ra không được thực thi, USD có thể giảm giá trở lại. Một khi đồng USD giảm giá, lượng tiền sẽ ra khỏi nước Mỹ và đây chính là cơ hội cho các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.

Mức giảm giá tiền của VND sẽ được kiểm soát tốt quanh mức 1 - 2% nhờ vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao kỷ lục (40 tỷ USD), cùng với các chính sách tiền tệ linh hoạt. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, cả vốn đăng ký mới và giải ngân liên tục duy trì xu thế tăng trong nhiều năm qua.

Vốn FDI thực hiện năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với 2015 và ghi nhận mức kỷ lục từ trước đến nay nhờ môi trường kinh doanh cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn này tiếp tục duy trì ở mức cao do triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam và vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

5 lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn được nhà đầu tư quan tâm là: tiêu dùng bán lẻ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, công nghệ, tiện ích 

Về đầu tư gián tiếp, cho dù khối ngoại đã bán ròng trong năm 2016 sau nhiều năm mua ròng trên thị trường chứng khoán, nhưng thực tế khối này vẫn duy trì hoạt động mua ròng thông qua kênh M&A, trái phiếu chính phủ và tham gia mua cổ phần trong các đợt đấu giá cổ phần lần đầu của doanh nghiệp (IPO).

Khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh trong 3 tháng đầu năm và xu thế này sẽ được duy trì trong năm nay, cho dù áp lực bán ròng tại một số thời điểm hoàn toàn do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất. Bởi nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang dần cải thiện, tăng trưởng kinh tế khởi sắc hơn, lạm phát và tỷ giá sẽ được kiểm soát tốt.

Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính theo hướng tự do hơn và tiếp tục nới room cho khối ngân hàng. Thêm vào đó, thoái vốn nhà nước, IPO và niêm yết các doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh.

Nền kinh tế dần hồi phục và môi trường kinh doanh cải thiện sẽ là điều kiện tích cực để thu hút dòng vốn FDI và dòng vốn FII vào Việt Nam. Tăng trưởng GDP trong quý I/2017 dù thấp hơn mục tiêu, nhưng khả năng vẫn duy trì mức tăng cao trong dài hạn. Nếu Việt Nam giải quyết được những khó khăn về nợ xấu, thâm hụt ngân sách…, thì khả năng không khó đạt mục tiêu.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các công ty đầu ngành, trong đó có thương vụ bán một phần vốn của Vinamilk, đang tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam hiện là một trong những thị trường có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng vừa qua, không phải tất cả doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt, mà chỉ một số doanh nghiệp đầu ngành mới có thể cạnh tranh và có nhiều thuận lợi, nên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự chọn lựa kỹ hơn cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Một trong những yếu tố khác được nhà đầu tư quan tâm, đó chính là diễn biến của tiền đồng. Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cao hơn nhập khẩu, vì thế tỷ giá USD/VND được giữ tương đối ổn định. Tiền đồng ổn định là điều kiện để có thể xem xét giảm thêm lãi suất.

Một khi lãi suất thấp, Chính phủ có thể phát hành thêm trái phiếu với chi phí thấp và các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn, cũng như sử dụng vốn vay sẽ tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Điều này cần được thúc đẩy hơn thời gian tới.

Tăng trưởng GDP có thể chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ năm nay, nhưng sản xuất và xây dựng đạt mức độ tăng trưởng cao nhất nhiều năm. Lạm phát được kiểm soát tốt và đồng nội tệ được điều tiết ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 11 tỷ USD năm qua, FDI tiếp tục dồi dào.

Đồng thời, Chính phủ quyết liệt thực hiện các biện pháp cải tổ, nâng cao tính minh bạch tại tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế…, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm 2017.

Đây cũng sẽ là thời điểm cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Năm lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn được nhà đầu tư quan tâm là: tiêu dùng bán lẻ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, công nghệ, tiện ích (điện/nước).

Chiến lược đầu tư của chúng tôi là tập trung vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tăng lợi tức, các khoản đầu tư được giám sát chặt chẽ, chủ động tìm kiếm ý tưởng mới.

Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục