Sau một thời gian dài duy trì ở mức cao, Fed đã cắt 0,5% lãi suất USD. Ông đánh giá sao về điều này?
Sau hơn một năm giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,50%, Fed đã bỏ phiếu thống nhất cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17 - 18/9, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 4,75-5,00%. Đây là lần đầu tiên Fed giảm lãi suất tham chiếu kể từ năm 2020. Diễn biến của thị trường lao động đóng vai trò lớn trong quyết định của Fed, khi Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố, thị trường lao động hiện tại “không phải là nguồn gây áp lực lạm phát gia tăng”.
Trong phiên họp báo sau đó, ông Jerome Powell cho biết, việc cắt giảm lãi suất lớn hơn là dấu hiệu cho thấy sự tự tin rằng, lạm phát “đang giảm xuống mức 2% trên cơ sở bền vững”. Ông không đưa ra cam kết nào về quy mô của các động thái lãi suất trong tương lai và cho biết các quyết định sẽ được đưa ra trong từng cuộc họp.
Mức giảm 50 điểm phần trăm có vẻ đồng thuận với quan điểm ôn hòa hơn căn cứ theo định giá của thị trường, chứng minh cho lập trường ôn hòa hơn của thị trường. Tuy nhiên, thông qua biểu đồ Dot Plot, Fed phát tín hiệu, chỉ cần cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay và một phiếu bầu không đồng tình cho mức giảm này càng làm tính chất của lần hạ lãi suất này bớt ôn hòa hơn.
Có thể thấy, Fed đã đưa ra tín hiệu rất rõ ràng về việc không nới lỏng vội vã và các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra quyết định một lần nữa dựa trên trên cơ sở của từng cuộc họp.
Theo ông, liệu Fed còn cắt thêm một đợt lãi suất từ nay đến cuối năm 2024?
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp chính sách từ nay tới cuối năm, cũng như 4 cuộc họp tiếp theo vào năm sau, đưa phạm vi lãi suất tham chiếu xuống còn 3,25-3,50% vào tháng 6 năm sau. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ kịch bản là tiến trình hạ lãi suất được đẩy lên sớm hơn với một lần hạ lãi suất 50 điểm cơ bản theo hướng dồn trước vào phiên họp tháng 11.
Ngoài ra, một rủi ro khác là các dự báo về khả năng nới lỏng của Fed cũng như kịch bản về kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn chính sách được đưa ra sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng như các biến động địa chính trị.
Fed cắt giảm lãi suất sẽ tác động ra sao đến chính sách tiền tệ Việt Nam và tỷ giá trong những tháng cuối năm?
Ngay sau cuộc họp của Fed, về tổng thể, USD suy yếu hơn một chút. Tuy nhiên, các dự báo về tốc độ hạ lãi suất cho các kỳ tiếp theo, cũng như những phát biểu trong cuộc họp báo của Chủ tịch Powell đã làm giảm bớt tín hiệu giảm giá USD mà đợt nới lỏng 50 điểm cơ bản này gửi đi lúc ban đầu.
Ngoài ra, với việc Fed tuyên bố sẽ quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu tại từng cuộc họp, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, dữ liệu sắp tới rất quan trọng để xác thực lại xu hướng của tỷ giá. Nếu dữ liệu của Mỹ vẫn tích cực, thì các loại tiền tệ châu Á có thể chịu áp lực mất giá hơn. Cuối cùng, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ tác động tới thị trường theo nhiều kịch bản khác nhau.
Lãi suất VND sẽ chịu tác động ra sao sau động thái của Fed?
Ngay trước thềm cuộc họp Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm từ mức 4,25%/năm. Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn thời gian gần đây.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá gần đây đã suy giảm khá nhiều cũng sẽ làm giảm lạm phát nhập khẩu, qua đó góp phần giúp lạm phát duy trì được mục tiêu dưới 4,5% trong thời gian còn lại của năm. Do đó, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục duy trì theo hướng hỗ trợ, với việc NHNN giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5%.
Tuy nhiên, việc Fed mới bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất với rất nhiều kịch bản phía trước, những khác biệt về chính sách có khả năng vẫn còn duy trì, cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng tới thanh khoản và lãi suất VND.