Thêm dư địa nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức giảm lãi suất USD. Động thái này tạo thêm cơ hội để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, từ đó các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng mùa cao điểm cuối năm.
Lãi suất USD giảm giúp giảm áp lực tỷ giá tiền đồng. Lãi suất USD giảm giúp giảm áp lực tỷ giá tiền đồng.

Khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 17-18/9/2024, Fed đã thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với mức giảm 0,5% nhằm ngăn chặn thị trường lao động tiếp tục suy yếu.

Bên cạnh các đợt giảm lãi suất khẩn cấp trong mùa dịch, lần cuối cùng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - hạ 50 điểm cơ bản lãi suất là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Không chỉ hạ lãi suất, FOMC còn đưa ra các thông điệp cho thấy sẽ cắt giảm chi phí đi vay liên ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay, gần với dự đoán của thị trường.

Các dự báo đưa ra, khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 50 điểm cơ bản vào năm 2026. Báo cáo việc làm tháng 8/2024 của Mỹ suy yếu, nhưng theo nhận định của ShinanBank, nền kinh tế Mỹ khó có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái.

Tại Việt Nam, tác động lớn nhất tới nền kinh tế khi Fed hạ lãi suất là áp lực tỷ giá giảm. Tỷ giá trên thị trường tự do từ mức đỉnh 26.000 đồng/USD giảm xuống 25.000 đồng/USD.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư, Maybank Investment Bank cho rằng, việc Fed hạ lãi suất sẽ tác động đến chỉ số USD-Index (là chỉ số đo lường sức mạnh của USD so với 6 loại tiền tệ khác gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF).

Tuy nhiên, mốc 100 điểm khá “cứng” nên chỉ số này sẽ khó giảm mạnh, song cũng khó tăng trở lại mức cao như trước. Điều này sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.

Các nhà phân tích tài chính cũng đưa ra nhận định rằng, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III/2024, trước khi hạ nhiệt dần về cuối năm. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2024 dự kiến ở mức 25.040 đồng/USD.

Trong nửa đầu năm 2024, dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, song tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do USD mạnh và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc.

Cùng với sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự cũng góp phần hạn chế tỷ giá VND/USD tăng cao. Theo nhận định của Shinhan Bank, tiền đồng sẽ mất giá nhẹ và dự kiến phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ, các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.

Cơ hội tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách Giao dịch ngoại hối và Phái sinh - Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, việc Fed cắt giảm lãi suất USD sẽ mang lại một số tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam như giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.

Tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm tiền đề để hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước.

Ngoài ra, việc duy trì một tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khi Fed còn có khả năng giảm thêm lãi suất thì dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như duy trì môi trường lãi suất thấp của Việt Nam vẫn còn.

Các dự báo đưa ra, khả năng cao Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần trong thời gian còn lại của năm 2024, dự kiến vào tháng 12. Hiện cơ quan này đang phải cân bằng giữa việc cắt giảm lãi suất sớm và hạn chế nguy cơ lạm phát bùng trở lại, cho dù đang trong xu hướng giảm.

“Fed sẽ xem xét các số liệu lạm phát, nhưng nội dung trọng tâm của các quan chức Fed đã chuyển từ kiềm chế lạm phát sang nỗi sợ ngày càng lớn về thị trường lao động. Các số liệu này càng củng cố niềm tin về một kịch bản hạ cánh mềm, vừa đưa được lạm phát về mức 2%, vừa đảm bảo không dẫn đến suy thoái”, chuyên gia Shinhan Việt Nam nói.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, trong bối cảnh USD hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá tăng trong các tháng còn lại của năm. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng tận dụng việc Fed cắt giảm lãi suất để điều chỉnh lãi suất điều hành trên thị trường mở.

Đây cũng là nhận định của PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân tới từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Theo ông Huân, khi Fed còn có khả năng giảm thêm lãi suất thì dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như duy trì môi trường lãi suất thấp của Việt Nam vẫn còn.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ thực hiện các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian tới.

Những động thái trên thị trường cũng cho thấy định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất cho vay liên ngân hàng thấp hơn, duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc giảm và giữ lãi suất cho vay ở mức phù hợp nhằm kích cầu tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay có khả năng hoàn thành và đây là con số định hướng trong điều hành chứ không phải áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế, trong đó đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất.

Tính đến nay, lãi suất đã giảm khá mạnh. Đồng thời, kể từ ngày 28/8/2024, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Phó Thống đốc cho hay, với mục tiêu cả năm đặt ra là khoảng 15% có điều chỉnh theo yêu cầu thực tế tới thời điểm cuối năm và đến thời điểm hiện tại (7/9/2024), dư nợ toàn nền kinh tế đã đạt 7,75%. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm.

Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng bắt đầu có sự chuyển biến và tăng tích cực hơn trong tháng 7 và 8 (cùng thời điểm này năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33% nhưng đến cuối năm trước vẫn hoàn thành mục tiêu đặt ra là 13,71%).

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục