Tỷ giá, lãi suất phản ứng tích cực khi Fed giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau quyết định hạ lãi suất 0,5% (giảm 50 điểm cơ bản), cao gấp đôi so với dự báo trước đó, tỷ giá và lãi suất phản ứng tích cực và kỳ vọng ổn định trong những tháng cuối năm.
Tỷ giá, lãi suất phản ứng tích cực khi Fed giảm lãi suất

Tỷ giá và lãi suất giảm

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất, mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.

Việc Fed giảm lãi suất USD sẽ góp phần giúp cho Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay. Đặc biệt, Fed giảm lãi suất giúp rút khoảng cách chênh lệch lãi suất USD - VND, từ đó giảm áp lực đối với tỷ giá. Cụ thể, trong sáng 20/9, giá USD trên thị trường quốc tế giảm, chỉ số USD-Index đi xuống 0,3 điểm, còn 100,6 điểm, có thời điểm 100,2 điểm. USD trượt dốc trong phiên giao dịch đầy biến động khi thị trường đang vật lộn với đợt cắt giảm lãi suất 0,5% từ Fed.

Khi giá USD thế giới giảm kéo theo tỷ giá trong nước cũng đồng loạt giảm sau nhiều ngày tăng trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 19 đồng, xuống 24.148 đồng trong sáng 20/9. Các ngân hàng thương mại giảm 10 đồng mỗi USD, Vietcombank mua vào 24.370 - 24.400 đồng, bán ra 24.740 đồng; ACB mua vào 24.400 - 24.430 đồng, bán ra 24.760 đồng… Trên thị trường tự do, giá USD giảm nhẹ 15 đồng, xuống 24.950 đồng chiều mua vào, bán ra còn 25.050 đồng.

Ngay trước thềm cuộc họp Fed (17-18/9), Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) còn 4%/năm từ mức 4,25%/năm. Đây cũng là lần giảm lãi suất OMO thứ hai trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, cho thấy chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đồng thời, việc cắt giảm lãi suất của Fed lần này cũng làm đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất tiết kiệm trong nửa đầu năm 2024 của tiền đồng, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian gần đây.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP.HCM, việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp nhà điều hành có nhiều dư địa để giảm lãi suất OMO, từ đó hạ lãi suất thị trường và hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Thanh khoản hiện tốt hơn giai đoạn trước cũng sẽ là điều kiện để giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, cho vay trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất OMO đến lãi suất cho vay từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tình trạng nợ xấu đang gia tăng. Song ngành này vẫn sẽ được hưởng lợi từ một số động thái nới lỏng gần đây của Ngân hàng Nhà nước. Về động thái mới đây của Fed, ông Huân cũng cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ. Do đó, giảm lãi suất mới chỉ là yếu tố tâm lý, còn tác động thực sự sẽ không ngay lập tức.

Những đội thái nới lỏng gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã giúp lãi suất huy động tăng chậm lại. Thậm chí, có một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 - 0,3%. Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2024 đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) đã thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Fed sẽ giảm thêm lãi suất quý trong IV/2024

Theo dự báo của giới phân tích tài chính, từ nay tới cuối năm 2024, Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hoặc một lần cắt giảm 50 điểm cơ bản và dự định cắt giảm tiếp 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 50 điểm cơ bản trong năm 2026 để đưa lãi suất về mức 2,75 - 3% vào cuối năm 2026.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho biết, hiện Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp chính sách từ nay tới cuối năm, cũng như 4 cuộc họp tiếp theo vào năm sau, đưa phạm vi lãi suất tham chiếu xuống còn 3,25 - 3,50% vào tháng 6/2025.

Tuy nhiên, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vẫn không loại trừ kịch bản tiến trình hạ lãi suất được đẩy lên sớm hơn với một lần hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trước theo hướng dồn trước vào phiên họp tháng 11/2024. Ngoài ra, một rủi ro khác do các dự báo về khả năng nới lỏng của Fed cũng như kịch bản về kinh tế của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn chính sách được đưa ra sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng như những biến động về địa chính trị.

Cũng theo nhận định của ông Khoa, trong những tháng tới, thị trường ngoại hối có thể chứng kiến nhiều biến động hơn nữa. Xem xét tốc độ giảm của USD so với đồng nội tệ khu vực châu Á nói chung và VND nói riêng, cùng với dự báo về tốc độ hạ lãi suất mà Fed ngụ ý thông qua “dot-plot” trong tương lai cho tới tháng 12/2025, có vẻ đã có rất nhiều thông tin được phản ánh vào xu hướng giá.

Ngoài ra, với việc Fed tuyên bố sẽ quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu tại từng cuộc họp, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cũng cho rằng dữ liệu sắp tới là rất quan trọng để xác thực lại xu hướng của tỷ giá. Nếu dữ liệu của Mỹ vẫn tích cực, thì các loại tiền tệ châu Á có thể chịu áp lực mất giá hơn. Cuối cùng, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ tác động tới thị trường theo nhiều kịch bản khác nhau.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cũng kỳ vọng, Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm 2024, trong đó chúng tôi dự báo sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2024 (tức là hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, vào ngày 24/11 và ngày 24/12 của FOMC).

UOB duy trì kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý). Điểm khác biệt trong dự báo của chúng tôi so với Fed là mức lãi suất cuối cùng mà chúng tôi dự báo là 3,25%, dự kiến sẽ đạt được vào đầu năm 2026 so với quan điểm dài hạn của Fed là 2,9%.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024, vì Ngân hàng Nhà nước vẫn để mắt đến những rủi ro về lạm phát”, ông Suan Teck Kin nói. Tính từ đầu năm đến tháng 8, CPI chung tăng 4% so với cùng kỳ năm trước tính, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục