F1 và vòng đua thế giới của Vingroup

Giống như trên đường đua F1, để gia nhập cuộc đua ô tô toàn cầu, Vingroup cần đưa VinFast trở thành “tay đua kiệt xuất”, với khả năng cạnh tranh cao.
Trong nỗ lực đưa thương hiệu ô tô Việt Nam ra thế giới, VinFast đã cho ra mắt 2 mẫu xe tại triển lãm ô tô Paris. Trong nỗ lực đưa thương hiệu ô tô Việt Nam ra thế giới, VinFast đã cho ra mắt 2 mẫu xe tại triển lãm ô tô Paris.

Kỷ nguyên của F1

Cuối cùng, sau nhiều lần “đánh tiếng”, Hà Nội đã có trong tay quyền đăng cai Giải đua xe F1 trong 10 năm. Chặng đua dài 5,565 km đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 4/2020, tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Đây là chặng đua mới đầu tiên được công bố kể từ khi Liberty Media trở thành chủ nhân của giải thể thao danh tiếng này.

Trước đó, F1 thuộc Tập đoàn CVC của tỷ phú 86 tuổi người Anh - Bernie Ecclestone, đã từ chối ký hợp đồng 540 triệu USD với Việt Nam về quyền đăng cai một chặng đua F1 trong 10 năm. 

Người được Liberty bổ nhiệm thay tỷ phú “già cỗi” làm Chủ tịch thành viên và Giám đốc điều hành F1 là Chase Carey. Một trong những việc đầu tiên ông này làm là chọn một nước đăng cai thay thế Malaysia đã tuyên bố “chia tay” F1 sau 19 năm gắn bó. Và đối tác đến từ Việt Nam đã thuyết phục được ông về kế hoạch mà họ đưa ra. 

Theo ông Chase Carey, châu Á là thị trường rất tiềm năng (sau châu Âu và châu Mỹ) mà F1 đang muốn bành trướng. Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố mà F1 đang tìm kiếm, từ cảnh sắc đến con người. 

Thu hút tới 1,4 tỷ lượt khán giả theo dõi qua truyền hình trong mùa giải 2017 qua 20 chặng đua, không có gì ngạc nhiên khi đua xe F1 tiếp tục khẳng định vị trí môn thể thao tốc độ được yêu thích nhất thế giới, tạo ra giá trị hàng tỷ USD mỗi năm.

Ngay mùa giải 2017, mùa giải đầu tiên về với Liberty, số lượng khán giả theo dõi F1 trên cả 2 nền tảng truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số khác tiếp tục tăng năm thứ 3 liên tiếp. Tổng số lượng khán giả trung bình của tất cả các chương trình phát sóng tại 20 thị trường hàng đầu ở mức 1,4 tỷ người, tăng 6,2% so với năm 2016. 

Bên cạnh đó, F1 là thương hiệu thể thao phát triển nhanh nhất trên nền tảng truyền thông xã hội. Sức hút của F1 vẫn là điều không thể bàn cãi và hàng tỷ USD sẽ tiếp tục được tạo ra trong kỷ nguyên mới của F1.

Theo Christian Sylt, nhà đồng sáng lập báo cáo thường niên Formula Money chuyên về thông tin tài chính của Giải đua xe F1, giai đoạn từ giữa những năm 2000 đến nay chứng kiến doanh thu của Tập đoàn Formula One (F1) tăng mạnh, từ mức 1 tỷ USD năm 2005 lên tới khoảng 1,8 tỷ USD vào năm 2016 và 2017.  

Nếu tính tổng các chặng đua F1 trên toàn thế giới, giá vé bình dân nhất cũng đã tăng 13,4% trong khoảng năm 2016 - 2017, lên mức 161 USD.    

Chặng đua F1 ở Việt Nam sẽ là chặng đua thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á sau Singapore GP. Năm 2008, Singapore chi đến 110 triệu USD để được quyền tổ chức một chặng F1, nhưng nhờ kinh doanh tốt, nước này đã thu về khoảng 150 triệu USD. Singapore vẫn tổ chức một chặng đua mỗi năm. Năm 2019, giá vé cho chặng đua Singapore Grand Prix trong 3 ngày nằm ở mức từ 398 USD lên tới 2.229 USD. 

Trước đó, có nhiều thông tin về việc chặng đua F1 trên thế giới kinh doanh thua lỗ hoặc đứng trước khó khăn tái cơ cấu, việc tổ chức bộ môn này có thể là thương vụ đầu tư rủi ro với Việt Nam.

“Bài học từ Singapore qua việc tổ chức F1 cho thấy, nếu biết cách tận dụng và khai thác khéo léo, giải đua này sẽ mang lại hiệu quả kinh tếlớn”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup khẳng định.

Không chỉ là F1

“Chúng ta đều biết rõ, chi phí và công sức bỏ ra cho việc đăng cai F1 không nhỏ. Nếu để đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp, có lẽ còn có nhiều cách khác đơn giản hơn. Đối với Vingroup, qua sự kiện đường đua F1, chúng tôi sẽ cho hàng triệu người trên thế giới biết rằng, VinFast là nhà sản xuất xe hơi đầu tiên ở Việt Nam”, ông Quang nói. 

Theo nguồn tin không chính thức, để đưa được F1 về Việt Nam, Vingroup đã bỏ ra 50 triệu USD để lập công ty con là Grand Prix Việt Nam làm marketing sự kiện này. Giới chuyên môn cho rằng, chỉ có quốc gia nào muốn đẩy mạnh bán ô tô thì mới quyết định đầu tư vào F1. Và Vingroup cũng không ngoại lệ, khi muốn bán các dòng xe hơi của mình tại thị trường mục tiêu và đưa thương hiệu ô tô Việt Nam ra thế giới. 

Vingroup đã chi 4,2 tỷ USD đầu tư làm xe hơi VinFast. Tháng 10/2018, VinFast đã cho ra mắt 2 mẫu xe Sedan và SUV tại triển lãm ô tô Paris. Trước đó, VinFast đã mua lại công nghệ của BMW (Đức) để làm động cơ và mua lại hoạt động sản xuất, phân phối của General Motors (GM) Mỹ  tại Việt Nam. Hãng sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư để sản xuất dòng ô tô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019.

Theo ông Quang, Vingroup không phải là đơn vị tài trợ toàn bộ các kinh phí, mà chỉ là người đứng ra chủ trì tập hợp các nguồn tài trợ. Vingroup tham gia mạnh mẽ việc này, vì nhận thấy việc tổ chức giải đua F1 sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, con người của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Sự kiện này cũng sẽ đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ thế giới, gắn liền với các sự kiện thể thao danh giá bậc nhất toàn cầu. F1 được tổ chức tại Việt Nam sẽ thu hút du khách quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cao cấp mới và đặc biệt sẽ góp phần tăng cường giao lưu, xúc tiến đầu tư...

Trong khi đó, dù rất kỳ vọng vào vòng đua F1 đầu tiên thành công ở Việt Nam, nhưng ông Chase Carey cho rằng, điều quan trọng nhất là việc thành phố xin đăng cai tổ chức thực sự có tiềm năng hay không, người dân nơi đây có quan tâm tới F1 hay không.

Hãy nhìn sang Malaysia ngừng đăng cai F1 từ năm 2018, vì chi phí bỏ ra quá lớn, thu không đủ bù chi. Được tổ chức lần đầu vào năm 1999, tại trường đua Sepang, Kuala Lumpur, Giải đua Malaysian Grand Prix từng là điểm nhấn về văn hóa du lịch cho đất nước này, giúp lượng du khách du đến Malaysia tăng vọt, quảng bá hình ảnh nước này đến toàn thế giới với tư cách là quốc gia châu Á thứ 2 sau Nhật Bản tổ chức giải F1.

Tuy nhiên, Grand Prix Malaysia 2016 chỉ bán được chưa đến 60% lượng vé phát hành. Con số này rất thấp nếu so với chặng MotoGP cũng được tổ chức trên đường đua Sepang. Sau khi dừng hợp đồng với F1, Malaysia sẽ dành nguồn lực đăng cai Giải MotoGP vốn rất phổ cập và đang ngày càng hấp dẫn.

Mỗi năm, Malaysia phải chi hàng chục triệu USD phí đăng cai, chưa tính đến các chi phí về điều kiện vật chất, truyền thông. Con số được truyền thông ước tính lên đến hơn 50 triệu USD mỗi năm. Đơn vị bảo trợ chính cho chặng đua F1 ở Kuala Lumpur là Petronas, tập đoàn hóa dầu và khí đốt trực thuộc chính phủ, cũng là cổ đông chính của thương hiệu xe hơi nội địa Proton (liên doanh giữa Chính phủ Malaysia và Mitsubishi Motors). Để quảng bá và đưa Proton thành niềm tự hào xe hơi của Malaysia, chính phủ nước này đã quyết định đồng hành với F1 trong nhiều năm. 

Thành công của Proton mở đường cho hàng loạt hãng xe nội địa khác đã được thành lập tại Malaysia như Perodua, Tan Chong Motor, Inokom, Bufori, Naza, góp phần giúp nước này trở thành hình mẫu phát triển ngành ô tô nội địa cho khu vực Đông Nam Á.

Song vài năm trở lại đây, Petronas liên tục gặp khó khăn vì sự bất ổn về giá dầu. Nhưng nguyên nhân sâu xa nằm ở sự thất bại của Proton, do ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính châu Á thời kỳ cuối những năm 1990. Đặc biệt, trong lịch sử của Hãng, Proton được hưởng quá nhiều ưu đãi từ chính sách bảo hộ của Chính phủ và chính điều này khiến Proton không thể cạnh tranh khi có đối thủ xuất hiện. Hãng cũng không thể chạy đua đầu tư công nghệ sản xuất ô tô vốn thay đổi rất nhanh chóng. Ngoài ra, việc chi hàng đống tiền thâu tóm thương hiệu xe thể thao Lotus Cars (Anh) và Hãng MV Agusta (Italy) không mang lại quả ngọt. Cuối cùng, Proton bị Hãng ô tô Geely (Trung Quốc) thâu tóm vào năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc Petronas phải chia tay giải đua F1. 

F1 là cuộc đua toàn cầu rất tốn kém, nhưng cũng là món hời lớn nếu biết chơi khéo léo. Vingroup đã ghi điểm với Chủ tịch F1 qua cách làm việc uy tín và tham vọng. Nhưng để có thể tham dự F1, đội đua cần đáp ứng đủ yêu cầu từ phương tiện, các tay đua đến khả năng cạnh tranh. Điều này có nghĩa, Vingroup muốn VinFast gia nhập cuộc đua ô tô toàn cầu, thì cũng phải có “những tay đua kiệt xuất” giống như trên đường đua F1.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục