Ông Lê Anh Tuấn, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho hay, liên quan đến Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (IPA), hiện nay, hai bên đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục nội bộ để trình phê chuẩn trong thời gian tới.
Dự kiến, đầu năm 2020, Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất.
Về phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo tác động về kinh tế. Bộ Tư pháp đang hoàn tất quá trình rà soát hệ thông pháp luật để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong các hiệp định.
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội sau khi nhận đầy đủ hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra theo quy định luật pháp quốc tế.
Với EVIPA, hiện nay chưa có dự kiến về lộ trình và thời gian có hiệu lực.
EVFTA và EVIPA được ký kết tại Hà Nội vào ngày 30/6/2019. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung truyền thống và phi truyền thống, vượt ra ngoài khuôn khổ thương mại hàng hóa như cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU.
Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư, theo đó, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ...