CPTPP và EVFTA không chỉ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có thu hút đầu tưnước ngoài. Ông có nghĩ rằng, 2 hiệp định này sẽ là tiền đề, động lực để thu hút đầu tư nước ngoài?
CPTPP và EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm không chỉ những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA truyền thống, mà còn với mức độ cam kết sâu nhất (thuế suất có thể về 0% theo lộ trình), có cơ chế thực thi chặt chẽ.
Hơn thế, các hiệp định này còn bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút đầu tư với công nghệ mới, tiên tiến từ các nhà đầu tư đẳng cấp cao vào Việt Nam, từ đó tạo điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh trong nước và phát triển nền kinh tế. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu, buộc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh phù hợp với thể chế kinh tế thị trường hiện đại.
Nếu thực hiện cải cách mạnh mẽ, thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn, nhờ đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao đến làm ăn tại Việt Nam và Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn hơn những nhà đầu tư phù hợp với định hướng của mình. Cần nhấn mạnh rằng, ký kết các FTA mới chỉ là tạo ra các cơ hội, nếu không tận dụng được các cơ hội, thì không mang lại lợi ích.
Ông đánh giá thế nào về tác động của 2 hiệp định này đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam?
Việc ký kết CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh phù hợp với thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Nhờ đó, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đến làm ăn, bởi các nhà đầu tư không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam với hơn 96 triệu dân, mà còn tiếp cận các thị trường châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương rất rộng lớn. Do đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nếu không sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài thôn tính và chiếm lĩnh thị trường. Vai trò của Chính phủ là cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không biết tận dụng cơ hội, đổi mới quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, thì cơ hội sẽ biến thành thách thức.
Dòng vốn liên thông hơn với quốc tế khiến những bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động. Điều này cũng đặt ra những thách thức trong việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, hoạt động đầu tư nước ngoài diễn ra tương tự năm 2018: vốn cấp mới và tăng thêm giảm 35,6%, nhưng giá trị góp vốn, mua cổ phẩn của nhà đầu tư nước ngoài tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018. Phải chăng đang có sự chuyển dịch cách thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?
Đúng vậy. Hiện nay, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng. Dòng vốn này thường là thống kê lượng vốn nước ngoài đổ vào mua từ 50% giá trị doanh nghiệp, dự án trở lên.
Điều này cho thấy, hoạt động M&A, thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài rất lớn và đang lấn át các chủ trương đầu tư mới, mở rộng dự án cũ của nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với tự mình tiến hành các thủ tục đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn rất khó khăn, do nhà đầu tư nước ngoài chưa quan tâm đến mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn. Vì sao vậy, thưa ông?
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, mở ra cơ hội mới cho đầu tư tư nhân; trong đó có đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp. Thời gian gần đây, tốc độ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng chậm lại. Giai đoạn 2017-2020, chúng ta mới cổ phần được 35/127 doanh nghiệp, thoái vốn 88/403 doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài dường như ít quan tâm đến việc mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn. Đó là bởi nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn lớn, 30%, 50%, thậm chí là 90%, tức là đã nắm giữ và chi phối gần hết mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Hơn nữa, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước còn nhiều rào cản, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có việc xác định giá trị đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa. Các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn lại càng phức tạp.
Theo ông, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán dịch vụ tài chính nên tận dụng những lợi thế gì của CPTPP và EVFTA để thu hút nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần?
CPTPP và EVFTA hướng tới mục tiêu xóa bỏ hạn chế trong lĩnh vực thị trường tài chính, xóa bỏ các rào cản có tính chất bảo hộ giữa các quốc gia, mở cửa thị trường nội địa cho các công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài vào hoạt động, cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Vì vậy, cần nhận thức rằng, áp lực cạnh tranh sẽ rất gay gắt.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về dịch vụ tài chính, đổi mới phương thức quản trị, nhằm đáp ứng tốt những thay đổi của môi trường, phát huy được những lợi thế mà các FTA thế hệ mới mang lại.
Tuy nhiên, theo tôi, việc CPTPP và EVFTA thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần có thể mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ, phương thức quản trị hiện đại từ các đối tác đến từ thị trường tài chính rất phát triển, cũng như thúc đẩy thị trường dịch vụ tài chính phát triển theo hướng hiện đại.