
Nhà đầu tư “ngấp nghé”
Nghị quyết số 222/2025/QH15 về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đã chính thức được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, với nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá, cạnh tranh. Có hiệu lực từ ngày 1/9/2025, Nghị quyết sẽ mở đường cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam ở TP.HCM và Đà Nẵng.
Ngoài việc phải chuẩn bị các vấn đề về đất đai, quy hoạch, hạ tầng, nhân lực…, thì một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của các trung tâm tài chính là làm sao thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
Thông tin tích cực là gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm tới việc đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Sau khi đầu tư dự án 1,5 tỷ USD ở Hưng Yên, Trump Organization bày tỏ mong muốn đầu tư một dự án ở Thủ Thiêm - khu vực dự kiến phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM.
Phái đoàn cấp cao của Trump Organization đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM và đi khảo sát thực địa để có thể tìm vị trí phù hợp cho việc đầu tư Dự án Trump Tower - tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê. Trump Organization cũng đang nhắm đến Đà Nẵng, địa điểm thứ hai được lựa chọn để phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam.
Theo báo cáo gần đây của UBND TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng nhận được sự quan tâm lớn và cam kết của hơn 10 nhà đầu tư. Trong đó, liên danh 3 nhà đầu tư Makara Capital, Terne Holding và Trump Organization mong muốn được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược để phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng.
Trong đó, Makara Capital Partner là một trong những tập đoàn hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực quản lý quỹ, đầu tư tài sản và cung cấp các giải pháp tài chính sáng tạo. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào đầu tháng 7/2025, ông Ali Ijaz Ahmad, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Makara Capital Partner cho biết, Tập đoàn đã nghiên cứu thị trường Việt Nam “rất kỹ lưỡng” và “tin tưởng” vào các định hướng mang tính chiến lược, tầm nhìn, khát vọng phát triển của Việt Nam.
Theo đó, ngoài Dự án Khu công nghiệp dược - sinh học tại Thái Bình (nay là Hưng Yên) với quy mô gần 300 ha, Makara Capital Partner mong muốn tham gia tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là tham gia xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam… Khả năng kêu gọi, huy động vốn cho kế hoạch này, theo ông Ali Ijaz Ahmad, là khoảng 5-7 tỷ USD, một ngân khoản không nhỏ.
Trước đó, hồi tháng 3/2025, trong cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn Swire - một trong những tập đoàn hàng đầu của Anh, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn Swire tham gia xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Swire chính là tập đoàn đã đầu tư Dự án Empire City tại Thủ Thiêm, được coi là “trái tim” của trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Lãnh đạo Swire đã cam kết tiếp tục đóng góp vào quy hoạch phát triển khu vực này.
Quan trọng là tìm được nhà đầu tư chiến lược
Mục đích xây dựng trung tâm tài chính quốc là thu hút dòng vốn quốc tế phục vụ 3 đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; phát triển dịch vụ tài chính cao cấp, thử nghiệm và quản lý các thị trường mới do thực tiễn đặt ra.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế là có thật. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, bao giờ những kế hoạch này sẽ được hiện thực hóa và làm sao để Việt Nam có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.
Có một thông tin thú vị được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây. Đó là, theo ông Quảng, trung tâm tài chính không chỉ là “một cái văn phòng” để giao dịch về mặt tài chính, mà phải là “một hệ sinh thái sống” để cho các nhà đầu tư đến và cảm nhận đây là một nơi đáng sống, đáng để đầu tư.
Ngoài một hệ sinh thái sống, để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, còn cần một hệ sinh thái các nhà đầu tư. Tức là điều quan trọng không chỉ là xây dựng hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế, mà là làm sao để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam đặt bản doanh.
Hai trung tâm tài chính Việt Nam ở Đà Nẵng và TP.HCM đã được định vị rất rõ ràng. Trong khi trung tâm tài chính tại TP.HCM dự kiến phát triển thị trường vốn, ngân hàng, phát triển các cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, các sàn giao dịch chuyên biệt…, thì trung tâm tài chính ở Đà Nẵng sẽ là nơi thử nghiệm các mô hình mới như tài chính xanh, tài chính bền vững, công nghệ tài chính, dịch vụ số…
Như vậy, mục tiêu được hướng đến ít nhất phải là các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, các quỹ đầu tư…, làm sao để phát triển một hệ sinh thái hấp dẫn cho việc phát triển tài chính số, tài sản số, ứng dụng fintech…
Khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối các thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài.
“Mục đích xây dựng trung tâm tài chính quốc là thu hút dòng vốn quốc tế phục vụ 3 đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; phát triển dịch vụ tài chính cao cấp, thử nghiệm và quản lý các thị trường mới do thực tiễn đặt ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Để thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế, nhiều thể chế, chính sách đột phá, đặc thù đã được xây dựng và ban hành, bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, cũng như các chính sách riêng khác cho nhà đầu tư chiến lược, như được ưu tiên lựa chọn thực hiện dự án đầu tư quan trọng để phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ trung tâm tài chính quốc tế…
Những chính sách trên được bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Ngành dịch vụ tài chính, Deloitte Việt Nam cho rằng, đã thể hiện “một tầm nhìn tổng thể, táo bạo nhưng thực tế” cho việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Chính sách đã có, giờ là lúc bắt tay vào chuẩn bị và thực hiện, trong đó có việc xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.