Doanh nghiệp ngành nhôm cần củng cố nội lực để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Các chuyên gia cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và ngành nhôm nói riêng. Tuy nhiên, khi các hàng rào kỹ thuật hết hiệu lực thì các doanh nghiệp cần củng cố nội lực để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
Quang cảnh Hội thảo Quang cảnh Hội thảo

Nối tiếp thành công của lễ ra mắt Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực miền Nam, sáng nay (23/7) tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc và Hội thảo Hiệp định thương mại EVFTA.

Sự kiện là dịp để các doanh nghiệp Nhôm Việt Nam cùng gặp gỡ, đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức mà ngành Nhôm đang gặp phải. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng trao đổi về những lợi thế khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất cũng như việc đón đầu những cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam khẳng định, Hiệp hội Nhôm Việt với vai trò tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên và là diễn đàn trao đổi thông tin, đề xuất chính sách, quy chế quản lý, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên hiệp hội trong việc xây dựng ngành công nghiệp nhôm phát triển ổn định.

“Hiệp hội sẽ cùng với các doanh nghiệp cùng góp phần làm lành mạnh hóa và phát triển thị trường nhôm Việt Nam một cách bền vững, trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thị trường khu vực và quốc tế, đưa ngành nhôm Việt Nam bước sang một tầm cao mới, có công nghệ kỹ thuật hiện đại và phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0”, ông Kế nói.

Chia sẻ về về EVFTA, ông Kế cho hay, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều trắc trở.

Ngay từ khi chưa có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), các doanh nghiệp Việt đã có nhiều đối tác từ EU. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu về giá cả, sản phẩm còn phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, lao động… rất khắt khe.

Do đó, trước mắt, Hội sẽ xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về nhôm thanh định hình Việt Nam để tạo điểm tựa cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

"Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm Trung Quốc", ông Kế nhận định.

Ông Kế khẳng định, tới đây, Hiệp hội sẽ xây dựng bộ quy chuẩn chung về nhôm, phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp hội cũng kiến nghị với Chính phủ làm tốt các chính sách về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của từng doanh nghiệp nhôm một cách quy củ và bài bản, tránh tình trạng tranh chấp thương hiệu đã và đang xảy ra rất phức tạp trong thời gian qua.

Doanh nghiệp ngành nhôm cần củng cố nội lực để tận dụng cơ hội từ EVFTA ảnh 1

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhôm định hình Việt Nam cho rằng, một số doanh nghiệp nhôm hiện nay đang lợi dụng việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa làm ăn chụp giật, gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

Vì vậy, thời gian tới Hiệp hội sẽ xây dựng Bộ Quy chế mang tính pháp lý để các doanh nghiệp ngành nhôm thực hiện và tuân theo, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường nhôm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ với thị trường quốc tế để đẩy mạnh sản phẩm nhôm ra thị trường nước ngoài bằng các hội thảo, hội nghị và hội chợ thương mại chuyên ngành trong nước cũng như nước ngoài.

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam đã có 16 Hiệp định thương mại tự do (bao gồm các hiệp định đã triển khai, hoàn tất đàm phán và đang đàm phán - PV) phủ gần như tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới trừ Hoa Kỳ. Đối với ngành xuất khẩu nhôm của Việt Nam chủ yếu đang xuất đi ASEAN, Hoa Kỳ, EU.

Bên cạnh đó, khối lượng nhập khẩu nhôm của Việt Nam cũng rất lớn, buộc phải áp dụng biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá. Do đó, bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước tại sao các doanh nghiệp Việt không nghĩ đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao.

Hiện tại, dư địa của thị trường châu Âu đối với ngành nhôm còn rất lớn. Tại thị trường trong nước, thuế chống bán phá giá là một công cụ để bảo hộ nhưng sẽ chỉ kéo dài được một vài năm. Vì vậy, theo ông Võ Trí Thành, nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu.

Doanh nghiệp ngành nhôm cần củng cố nội lực để tận dụng cơ hội từ EVFTA ảnh 2

Các hội viên Hội nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía bắc tại Lễ ra mắt

Nhu cầu của thị trường về nhôm là rất lớn nhưng để đáp ứng được thì phải chuyển hoá, phải chuyển đổi từ sản xuất thô đến các sản phẩm, chi tiết với công nghệ cao hơn. Đồng thời, ngoài quy tắc xuất xứ doanh nghiệp cũng phải thoả mãn các yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như EU đang quan tâm như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam là đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất Nhôm thanh định hình và các doanh nghiệp kinh doanh Nhôm. Hội có vai trò tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên và là diễn đàn trao đổi thông tin, đề xuất chính sách, quy chế quản lý, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên của Hội.

Với vai trò và sứ mệnh của mình, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã quy tụ đông đảo doanh nghiệp Nhôm Việt và triển khai rất nhiều hoạt động ý nghĩa tạo nên mạng lưới hội viên gắn kết, vững chắc.

Đồng thời, Hội cũng hướng tới phát triển thị trường nhôm Việt Nam một cách bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thị trường khu vực và quốc tế.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục