Doanh nghiệp nông nghiệp lên kế hoạch đón EVFTA

Để “chớp” cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang lên kế hoạch chi tiết từ cơ cấu kinh doanh, đến đầu tư mở rộng sản xuất…
Việc ký kết EVFTA tạo cơ hội cho Công ty Nafoods đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nước ép cô đặc chanh leo Việc ký kết EVFTA tạo cơ hội cho Công ty Nafoods đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nước ép cô đặc chanh leo

Cơ cấu mô hình kinh doanh, đầu tư thêm nhà máy

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ryan W.Galloway, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Nafoods cho biết, khi có thông tin về việc ký kết EVFTA, Nafoods đã làm việc ngay với đại diện thương mại cũng như các đối tác của Công ty tại châu Âu để nhận diện cơ hội và thách thức.

Theo tìm hiểu của Nafoods, khi Hiệp định có hiệu lực, sản phẩm nước ép cô đặc chanh leo của Công ty sẽ được hưởng lợi lớn. “Đó là cơ hội cho Nafoods, bởi đây là sản phẩm truyền thống từ lúc Công ty hình thành và đây cũng là sản phẩm đang có lợi thế tại thị trường châu Âu”, đại diện Nafoods cho hay.

Cũng theo ông Ryan, Nafoods đang vận chuyển 10 - 20 tấn/tuần sang châu Âu qua đường hàng không, nhưng Công ty đã xuất khẩu thử nghiệm chanh leo bằng đường biển, với thời gian từ TP.HCM đến cảng Rotterdam (Hà Lan) là 21 - 25 ngày, sau đó, quả chanh leo có 6 - 7 ngày để đến tay người dùng ở châu Âu.

Hiện tại, Nafoods bị áp thuế nhập khẩu 7%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, Công ty sẽ đỡ được khoản thuế trên. Như vậy, EVFTA sẽ tác động tích cực không chỉ đối với trái cây chế biến nói riêng, mà với cả các sản phẩm giá trị gia tăng như cô đặc, cấp đông, sấy. Do đó, Nafoods đã và đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm để tung ra thị trường.

Để tận dụng được những cơ hội từ EVFTA, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp cũng như giữa Việt Nam với các nước khác.

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan   

Cụ thể, cơ cấu doanh thu của Nafoods đã chuyển dịch theo hướng không phụ thuộc vào một ngành hàng chủ lực là chanh leo cô đặc. Tỷ trọng của nhóm sản phẩm cô đặc đã giảm từ 56% năm 2017, xuống còn 18% doanh thu năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của cây giống chanh leo tăng lên 24% doanh thu năm 2018, so với mức 19% của năm 2017. Các sản phẩm Puree và Rau củ quả đông lạnh IQF đã có một năm tăng trưởng mạnh, sau khi Tổ hợp nhà máy Long An đi vào hoạt động, chiếm tương ứng 12% và 16% doanh thu năm 2018.

Các sản phẩm trái cây tươi và sản phẩm giá trị gia tăng, dù mới được đẩy mạnh tiêu thụ từ các tháng cuối năm 2018, nhưng cũng đã đóng góp lần lượt 4% và 7% vào cơ cấu doanh thu của Công ty. Năm ngoái, Công ty đưa vào thử nghiệm sản phẩm trái cây sấy như xoài sấy dẻo, chanh leo sấy và dự kiến đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng này.

Ông Ryan W.Galloway cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Nafoods bằng doanh thu cả năm 2018, kế hoạch cuối năm nay doanh thu sẽ vượt 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ Nafoods, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang lên một kế hoạch cụ thể với thị trường của EVFTA. Chia sẻ bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa diễn ra, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC) cho rằng, EU sẽ là thị trường thuận lợi nhất nhờ giảm thuế trong bối cảnh các thị trường tiêu thụ tôm khác đang giảm nhu cầu nhập khẩu.

Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu vào EU của Minh Phú là 11%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ và Nhật Bản.

Theo ông Quang, đến năm 2020, Tập đoàn sẽ nâng thị phần xuất khẩu thủy sản sang EU lên 15 - 16%, đặc biệt trong điều kiện xuất khẩu qua Mỹ không thuận lợi.

Để làm được điều đó, Tập đoàn sẽ xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 600 ha (đã được tỉnh Kiên Giang phê duyệt), sau đó tiếp tục mở rộng thêm 2.500 ha và nuôi theo công nghệ 2-3-4 do doanh nghiệp này tự nghiên cứu.

Thành lập thêm công ty, đổ thêm vốn

Ở chiều ngược lại, ghi nhận từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhiều doanh nghiệp từ châu Âu đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, mở rộng hoạt động kinh doanh, tìm kiếm thêm đối tác…, nhằm đón đầu cơ hội từ EVFTA trong thời gian tới.

Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp chế biến, việc đưa vào hoạt động Công ty TNHH Bel Việt Nam (thuộc Tập đoàn Bel của Pháp) - chuyên sản xuất phô mai, với vốn đầu tư 12,9 triệu euro, với công suất đạt đến 3 triệu miếng phô mai con bò cười/tuần - được kỳ vọng mang đến những sản phẩm chế biến từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng Việt và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Tập đoàn Turatti (nhà cung cấp các giải pháp chế biến nông sản đến từ Italy) vừa thành lập một công ty thành viên có trụ sở tại Hà Nội, chuyên thiết kế, chế tạo máy móc và dây chuyền chế biến rau củ, trái cây nhiệt đới và làm nước ép. “Máy móc, thiết bị đưa về lắp ráp tại Việt Nam sẽ rẻ hơn 15%, nhờ việc Công ty  tăng tỷ lệ nội địa hóa”, ông Thanh Nguyễn, đại diện Tập đoàn Turatti cho hay.

Đánh giá về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Italy, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italy tại Việt Nam (ICHAM nhìn nhận, năm 2019, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Italy sẽ gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh như chế biến thực phẩm, may mặc, dược phẩm, hạ tầng, văn hóa, du lịch…

Nhằm gia tăng sự hiện diện thương mại cho sản phẩm Italy tại Việt Nam, ICHAM đã tổ chức giới thiệu rộng rãi 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Italy tới cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm Việt Nam.

Đại diện ICHAM khẳng định, EVFTA sẽ mang lại cơ hội cho cả hai bên. Doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để sở hữu công nghệ, thiết bị, máy móc hàng đầu thế giới. Còn doanh nghiệp Italy, ngoài việc mở rộng kinh doanh, còn có thể thúc đẩy trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Thu Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục