Đường kinh doanh xanh rộng mở

(ĐTCK) “Xanh và “sạch” đang là yếu tố ngày càng chi phối xu hướng tiêu dùng của thị trường và người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, cơ hội kinh doanh xanh không còn xa vời mà đã thực sự hiện hữu trong tầm tay của các doanh nghiệp.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Người tiêu dùng hào hứng

Kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh tại các đô thị lớn thời gian gần đây của các cơ quan hữu quan đã chỉ ra rằng, các chương trình hành động đề cao tiêu dùng xanh đã được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ.

Theo đó, tại TP. HCM, đô thị lớn nhất cả nước, nơi đã liên tục tổ chức chiến dịch tiêu dùng xanh trong vòng 8 năm trở lại đây (từ năm 2010 – 2017), có hơn 70.000 lượt tình nguyện viên tham gia chiến dịch, vận động được hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh. Nhờ có các chiến dịch này, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tăng lên từ 40 - 60% trong tháng diễn ra chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opmart.

Theo TS. Hồ Thanh Thủy, Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những con số này đã thể hiện sức lan tỏa rộng khắp của chiến dịch trong cộng đồng, tạo sự động viên và tiếp sức rất lớn cho những người thực hiện và doanh nghiệp tiếp tục kiên trì với những hoạt động của mình.

Để có tăng trưởng xanh thì việc gắn kết 3 nền tảng cốt lõi là tài chính, con người và thiên nhiên là điều kiện cần thiết

- TS. Hoàng Ngọc Hải, Khoa Kinh tế học, Viện Chính trị Khu vực I

Một kết quả khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức tăng trưởng cao 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành.

Trong ngành thực phẩm nước giải khát, các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh xanh đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 2 - 11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam như Bóng đèn Điện Quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất xanh. Unilever cũng tăng trưởng 30% khi thể hiện cam kết của mình về sản phẩm “sạch”.

Thực tế, người tiêu dùng đã có niềm tin vào hàng hóa có nguồn gốc, chất lượng tốt và họ sẵn sàng chọn mua dù phải trả mức giá cao hơn. Bởi vậy, chất lượng “xanh”sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn.

Bên cạnh đó, với mức thu nhập ngày càng gia tăng và chất lượng cuộc sống được cải thiện, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trung lưu hoàn toàn có đủ điều kiện để chọn cho mình các sản phẩm thực sự xanh và sạch.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Mặc dù kinh doanh xanh được đánh giá là xu thế tất yếu khi tiêu dùng xanh được người tiêu dùng lựa chọn, nhưng nhiều doanh nghiệp đặt ra chiến lược phát triển bền vững chủ yếu mang tính hình thức, kinh doanh xanh và thân thiện môi trường gần như mới chỉ dừng ở mức hô hào khẩu hiệu. Chương trình “Nhãn xanh Việt Nam” là một ví dụ khi đã được triển khai từ năm 2009, song đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp đạt chuẩn.

“Sản xuất sạch sẽ giúp tiêu thụ bền vững, nhưng để thực hiện được điều này cần giải được bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy được điều này song vẫn e ngại chưa thực sự muốn tiếp cận hoặc chỉ mang tính phong trào.

Bên cạnh những khó khăn về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực, các rào cản từ chính sách thể chế chưa rõ ràng đầy đủ, thì một phần lớn còn là do nhận thức trách nhiệm chưa đầy đủ, giáo dục ý thức chưa tốt”, TS. Hoàng Ngọc Hải, Khoa Kinh tế học, Viện Chính trị Khu vực I nhận xét.

TS. Hải dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ đầu tư cho tăng trưởng xanh trên GDP tại Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 0,2%. Ngay cả nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

“Để có tăng trưởng xanh thì việc gắn kết 3 nền tảng cốt lõi là tài chính, con người và thiên nhiên là điều kiện cần thiết, song theo cách quản trị truyền thống, nhiều doanh nghiệp lại chỉ chú trọng đến nguồn lực tài chính và con người mà quên đi điều kiện thứ 3 là nền tảng tiên quyết”, TS. Hải nói và cho biết thêm, giữa tăng trưởng và phát triển bền vững có khác biệt nhất định. Khi theo đuổi phát triển bền vững thì buộc doanh nghiệp cũng phải hy sinh lợi ích trong một khoảng thời gian.

Đánh giá về vai trò và sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong kinh doanh xanh và rộng hơn nữa là tăng trưởng xanh, các chuyên gia cho rằng, đây là điều kiện quan trọng hàng đầu bởi hơn ai hết, chính doanh nghiệp và người lao động sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việc thực hiện xanh hóa sản xuất - kinh doanh cần tiến hành ở đầy đủ các khâu, thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường...

Ngoài ra, cần thúc đẩy hình thành, phát triển đội ngũ doanh nhân, nhân lực “xanh”, các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn…

Đặc biệt, kinh doanh xanh cần được coi là nền tảng cốt lõi trong phương thức quản trị hiện đại của doanh nghiệp, phải gắn quản trị trên cơ sở hài hòa hóa cả 3 nguồn lực, trong đó lấy nguồn lực tài chính để hướng tới hỗ trợ và duy trì cho nguồn lực phát triển con người, quản trị nguồn lực tài nguyên.

Ở phân vai của nhà nước, TS. Hồ Thanh Thủy gợi mở, cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ, nhất quán theo định hướng phát triển xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thân thiện với môi trường hoạt động thuận lợi, cần đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, ưu tiên phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh.        

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục