Cơ hội kinh doanh xanh hiện hữu
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là nguồn lực không hề nhỏ, đặt ra nhiều thách thức và cả cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách quốc gia là cần thiết, song việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp, mà cần phải huy động mọi nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân và đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài song song với hỗ trợ quốc tế. Trong đó, ước tính 70% kinh phí cho tăng trưởng xanh từ khu vực tư nhân, quốc tế và bên ngoài.
Đáng chú ý, cùng với tiềm năng lớn từ kinh doanh xanh, khái niệm “tài chính xanh” được Thứ trưởng Phương nhấn mạnh như là một cơ hội hấp dẫn cho chính các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, việc tham gia vào quá trình “xanh hóa” sản phẩm và sản xuất của mình buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Về lâu dài, điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận. Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp cũng được tăng thêm khi tham gia vào chuỗi sản xuất xanh toàn cầu. Mặc dù thách thức về vốn đầu tư ban đầu, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Niel-sen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, người tiêu dùng và thị trường Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xanh và sạch, nên cơ hội kinh doanh xanh hiện hữu với các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, có tới trên 80% người Việt được hỏi sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo.
Kết quả khảo sát này cũng đã chỉ ra những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Điển hình như trong ngành thực phẩm, nước giải khát, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh “xanh” đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 2 - 11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam cũng đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”.
Cần cơ chế khuyến khích
“Chất lượng “xanh”sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn”, TS. Hồ Thanh Thủy, Viện Kinh tế chính trị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn chiến lược kinh doanh xanh do chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh, ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam thì còn những hạn chế nhất định.
“Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại, nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp. Ngoài ra, việc đầu tư, chi phí ban đầu tác động rất nhiều đến câu chuyện tiếp cận: Doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bền vững hay có xu hướng “hạ dần tiêu chí” để giảm chi phí”, bà Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hiện tại chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh..., cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo bà Thủy, đây là vấn đề lớn, cần có sự chung tay của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc hoàn thiện khung khổ chính sách, cơ chế, tháo gỡ các rào cản và nâng cao nhận thức để tận dụng các cơ hội thành hiện thực.