Những con số trong Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” của Ủy ban Kinh doanh và phát triển bền vững đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017.
Cơ hội lớn từ lĩnh vực kinh doanh bền vững
Báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và phát triển bền vững cũng chỉ ra rằng, các cơ hội này liên quan tới quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu trong 4 lĩnh vực, bao gồm lương thực và nông nghiệp, đô thị, năng lượng và vật liệu, y tế và sức khỏe.
Ủy ban này cũng mở rộng phạm vi phân tích sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin, truyền thông, giáo dục và hàng tiêu dùng. Kết quả cho thấy, các cơ hội kinh doanh có thể tạo ra thêm 8.000 tỷ USD/năm, thậm chí còn cao hơn nếu tính cả giá trị các yếu tố tác động bên ngoài.
“Lợi ích kinh tế thu được từ quá trình hiện thực hóa thành công các mục tiêu xã hội toàn cầu giúp gia tăng đáng kể tổng giá trị đạt được; trong đó có một phần của khu vực tư nhân. Y tế và giáo dục tốt hơn sẽ nâng cao năng suất lao động, giảm bất bình đẳng xã hội và căng thẳng môi trường sẽ giảm bớt bất ổn chính trị, qua đó, giúp giảm rủi ro kinh doanh và gia tăng lợi nhuận đầu tư.
Nhìn từ góc độ này, các mục tiêu toàn cầu đưa ra chiến lược phát triển hấp dẫn cho các doanh nghiệp cá thể, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cả nền kinh tế thế giới”, đại diện Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững nhấn mạnh.
Ủy ban này cũng dự báo, cơ hội từ ngành giao thông công cộng có quy mô doanh thu ước tính khoảng 2.020 tỷ USD.
Trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp, cơ hội dành cho các doanh nghiệp có khả năng xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh, giúp giải quyết các thách thức trong ngành có thể mang lại giá trị 2.300 tỷ USD như giảm thất thoát lương thực trong chuỗi giá trị, dịch vụ hệ sinh thái rừng và lương thực cho người thu nhập thấp.
Lĩnh vực đô thị có thể tạo ra quy mô doanh thu lên tới 3.700 tỷ USD cho các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh hướng tới giải quyết được vấn đề nhà ở có mức giá hợp lý và sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
Một lĩnh vực rất hấp dẫn khác là sản xuất xe điện và xe đa dụng được tính toán có thể tạo ra doanh thu 320 tỷ USD. Số xe điện và xe đa dụng dự báo tăng từ 2,3 triệu chiếc năm 2014 lên 11,5 triệu chiếc vào năm 2022, chiếm 11% lượng xe toàn cầu.
Lĩnh vực năng lượng và vật liệu mang tới cơ hội trị giá 4.300 tỷ USD cho các doanh nghiệp hướng vào 3 lĩnh vực tuần hoàn xe hơi, mở rộng tài nguyên tái tạo và tuần hoàn máy móc thiết bị.
Trong đó, mô hình tuần hoàn xe hơi mang lại cơ hội doanh thu 810 tỷ USD cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển ứng dụng các công nghệ tái chế các xe ô tô đã hết hạn sử dụng bị thu hồi thành các vật liệu cơ bản để chế tạo lại và sử dụng để cải tạo xe. Mô hình tuần hoàn máy móc thiết bị trị giá 525 tỷ USD dành cho thị trường tái chế các thiết bị dân dụng và máy móc công nghiệp.
Lĩnh vực mở rộng tài nguyên tái tạo dự báo đạt quy mô doanh thu 605 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy phát điện tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời và sản xuất thiết bị.
Động lực cho doanh nghiệp phát triển nhân văn hơn
Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững khẳng định, châu Á sẽ là khu vực có nhiều cơ hội kinh doanh nhất mà phát triển bền vững có thể mang lại so với các khu vực khác trên thế giới. Và đây sẽ là động lực phát triển khả quan cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng theo con đường phát triển bền vững và nhân văn hơn.
Đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030 của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, trong vòng 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp lập báo cáo bền vững đã tăng gấp 2 lần, với 90% các doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty lớn nhất lập báo cáo bền vững.
Hơn thế nữa, mạng lưới hợp tác cũng đã được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ và tích cực giữa các doanh nghiệp và các quốc gia. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các mục tiêu phát triển bền vững mang lại cũng như các rủi ro có thể khắc phục.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, phần lớn doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững, nhận thức của người dân, người tiêu dùng, các nhà quản lý vẫn còn thấp.
“Doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh tiên tiến và giải pháp kinh doanh bền vững để thu được lợi ích lâu dài”, ông Vinh khuyến nghị.
Ông Leo Evers, Tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam
Heineken đã áp dụng thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng sinh khối (biomass) và khí sinh học (biogas), tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế sử dụng hướng tới hoạt động không thải. Hiện 4/6 nhà máy của Heineken nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế và tái sử dụng, đồng thời giảm lượng nước tiêu thụ và nước thải.
Nhờ vào năng lượng sinh khối, chúng tôi có thể cắt giảm 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 - 2016, đồng thời cung cấp thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua vỏ trấu để tạo thành năng lượng sinh khối. Việc này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và tránh được các tác động từ biến động giá dầu. Ngoài ra, Heineiken cũng ưu tiên hợp tác với các nhà cung cấp tại địa phương, tạo ra khoảng 190.000 việc làm thông qua chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Công ty cũng thực hiện việc mua vào 100% lượng vật liệu bao bì từ các nguồn cung nội địa.
Bà Đào Thúy Hà, Giám đốc marketing CTCP Traphaco
Traphaco đã thực hiện các hoạt động về phát triển bền vững từ rất sớm thông qua việc phát triển vùng dược liệu sạch, bảo vệ môi trường, bào chế thuốc đạt hiệu quả cao, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh khoa học…
Trong đó, Dự án Green Plan của Công ty đã được triển khai thành công. Dự án nhằm xây dựng và phát triển các vùng trồng, khai thác dược liệu đạt yêu cầu theo hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) nhằm đảm bảo có nguồn cung cấp dược liệu chất lượng tốt, ổn định, giá cả phải chăng và lâu bền; bảo tồn cây thuốc và đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường.
Sau 8 năm nghiên cứu, 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã tạo ra được 35.827 ha vùng trồng theo chuẩn GACP – WHO cho hơn 10 loại dược liệu quý khác nhau. Trong đó, 5 dược liệu được Bộ Y tế đánh giá cao gồm chè dây, đinh lăng, rau đắng đất, actiso, bìm bìm biếc.
Các vùng trồng có mặt tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc. Traphaco đã ký hợp đồng trực tiếp với 645 hộ dân, tạo ra được hơn 1.400 việc làm thường xuyên, tạo ra phong trào trồng dược liệu sạch với thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm.
Các nhãn hàng chủ lực của Công ty cũng có độ nhận biết cao và được yêu thích từ người sử dụng, chẳng hạn Boganic, hiện dẫn đầu doanh thu (theo IMS Health) trong nhóm thuốc bảo vệ gan mật, Hoạt huyết dưỡng não & Cebraton, Methorphan trị ho, long đờm, chống dị ứng…
Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững và đối ngoại Unilever Việt Nam
Ứng dụng các công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã mang lại hiệu quả kinh doanh rất thiết thực và rõ ràng cho Công ty.
Cụ thể, 18 nhãn hàng bền vững của Unilever tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại, chiếm tới 60% tổng doanh số của Tập đoàn. Đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.