Đầy tiềm năng, thế mạnh
Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt, với diện tích khoảng 331.210 km2, tổng chiều dài trên 3.000 km nằm dọc theo bờ biển Đông, rất có tiềm năng cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, nước ta còn có nhiều địa danh nổi tiếng như Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình)… Nhiều khu dự trữ sinh quyển của thế giới như Cát Bà (Hải Phòng), vườn Quốc gia rừng U Minh (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Trên thực tế, Việt Nam đã hình thành những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Tuần Châu (Quảng Ninh), Vinpearl Nha Trang (Khánh Hòa), Furama Đà Nẵng, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa)…, thu hút khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Theo thống kê, cả nước có trên 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử được kiểm kê, trong đó có 62 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.174 di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia, 7.848 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 22 di sản được UNESCO vinh danh. Toàn quốc có 7.996 lễ hội các loại hình, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, chiếm 88,36%.
Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch phát triển mạnh. Năm 2016, năng suất sử dụng bình quân các cơ sở lưu trú du lịch toàn quốc đạt 57%. Đặc biệt, ngành đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư của xã hội, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vào các dự án có quy mô lớn như Vingroup, FLC, Sun Group, Mường Thanh…
Việt Nam hiện đã có nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế
Một lợi thế nữa là cả nước có hơn 1.456 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 13.000 doanh nghiệp nội địa, trên 15.500 hướng dẫn viên du lịch và hàng chục nghìn thuyết minh viên tại các điểm du lịch.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2016, Việt Nam đón trên 10 triệu khách du lịch quốc tế, tăng gấp đôi về số lượng so với năm 2010 là 5,1 triệu và tăng gần 26% so với 2015. Dự báo trong năm 2017, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,5 triệu lượt, năm 2020 là 17 - 20 triệu lượt. Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GDP.
Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar
Airlines) đánh giá: “Việc lựa chọn du lịch là kinh tế mũi nhọn là chuẩn xác. Nói du lịch là chiến lược là đúng về năng lực con người, về nguồn lực xã hội, không tiêu tốn tài nguyên, đó là cái chúng ta làm được. Chúng ta trở thành người chủ trên chính mảnh đất của chúng ta”.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa ban hành về năng lực cạnh tranh du lich toàn cầu năm 2017, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015, lên 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.
Tăng trưởng tốt
Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành du lịch nước ta đã có những bước phát triển đạt được thành tựu to lớn. Lượng khách quốc tế tăng hơn 30 lần, tốc độ tăng ổn định, bình quân khoảng 9 - 10%/năm. Từ 7,87 triệu lượt khách quốc tế năm 2014, lên hơn 10 triệu lượt năm 2016 và riêng quý I/2017 là 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Lượng khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990 và có xu hướng tăng mạnh từ năm 2011 đến nay, trong đó năm 2014 là 38,5 triệu lượt, đến năm 2016 là 62 triệu lượt.
Theo Tổng cục Thống kê, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc tăng 64%, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 36%, Hàn Quốc tăng 29%, Đài Loan tăng 22%, Nhật Bản tăng 5%.
Bên cạnh đó, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đến Việt Nam trong quý I/2017 đạt hơn 240.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, đây là mức cao đối với thị trường xa. Ngoài ra, còn các thị trường quy mô nhỏ hơn khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể như Thụy Điển (tăng 27%), Hà Lan (tăng 20%), Bỉ (tăng 11%), Mỹ (tăng 9%), Thái Lan (18%),
New Zealand (tăng 21%)…
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, nguyên nhân tăng trưởng đối với thị trường Trung Quốc do điểm đến Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách Trung Quốc, sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm đến ngày càng chặt chẽ, khiến việc tổ chức khai thác thị trường hiệu quả hơn và một số diễn biến trong quan hệ quốc tế có lợi cho du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, do liên kết trong ASEAN ngày càng chặt chẽ, thông tin, giao lưu, đi lại thuận lợi, cũng giúp gia tăng khách quốc tế đến Việt Nam. Điển hình như từ tháng 6/2016, Air New Zealand đã mở đường bay thẳng nối Auckland (New Zealand) với TP.HCM.
Nhưng không ít thách thức
Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc thù. Năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế còn thấp, thương hiệu du lịch quốc gia chưa xứng tầm và sử dụng marketing hiện đại để quảng bá xúc tiến hiệu quả chưa cao. Quản lý hoạt động khách du lịch một số thị trường và hướng dẫn viên nước ngoài còn những bất cập. Nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế nhiều về trình độ chuyên môn, ứng xử thiếu chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ về lý do chưa phát huy được tiềm năng du lịch Việt Nam, như tính chuyên nghiệp trong ngành du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm..., làm cho khách du lịch nhiều khi không muốn quay lại.
“Việt Nam cũng còn thiếu rất nhiều khu vui chơi, địa điểm mua sắm, làm cho khách không có nhiều trải nghiệm. Việc thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch ở các địa phương còn nhiều hạn chế”, ông Anh cho biết.
Bổ sung thêm, ông Lương Hoài Nam đánh giá, một trong những lý do cản trở du lịch phát triển là thủ tục visa.
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một lý do nữa là việc hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển và thế mạnh của du lịch, chẳng hạn vẫn thiếu các dự án bất động sản nghỉ dưỡng du lịch như codotel, khách sạn… Theo ông Nam, Nhà nước nên tạo thêm cơ chế để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước và bất động sản du lịch.
Để du lịch Việt Nam vượt qua thách thức trên, theo “hiến kế” của WEF, thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số đang được đánh giá gần cuối bảng xếp hạng như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129); các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115); mức độ chất thải (hạng 128); nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107).
Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải thiện mức độ cạnh tranh du lịch đối với các chỉ số như mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116); chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113); chi tiêu Chính phủ cho ngành du lịch (hạng 114); mức độ an toàn của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).
Đại diện một trong những tập đoàn đầu tư lớn vào du lịch, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc FLC cho rằng, bộ máy chính quyền là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hệ thống chính quyền phải cho nhà đầu tư thấy họ có tư duy đúng về du lịch, đặt du lịch vào trọng tâm phát triển, cho thấy tầm nhìn, mục tiêu phát triển du lịch rõ ràng. Bên cạnh đó, phải có sự đoàn kết, ổn định trong chính quyền, họ phải có quyết tâm rất cao thực hiện cùng doanh nghiệp.
Đồng tình với nhận định này, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, phiên họp Liên hợp quốc vừa qua có thảo luận về việc những nước nào đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong đó nhiều nước thoát nghèo nhờ du lịch như Mali. Chuyên gia này bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan về nghị quyết phát triển du lịch mới ban hành, bởi ngành du lịch có tiềm năng, nếu chỉ đạo tốt thì có thể phát huy các tiềm năng, thế mạnh này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com