Rất nhiều du khách dừng lại chụp hình quanh khuôn viên Quảng trường, nhưng nếu bước thoáng qua, ít ai có thể nhận ra nơi ấy có Sở giao dịch chứng khoán London (LSE), một trong 3 sở giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới ở đó.
Năm 2001, LSE chọn một tòa nhà 8 tầng có cánh cửa hướng ra Quảng trường Paternoster làm trụ sở chính với lý do LSE đã điện tử hóa toàn bộ giao dịch, nên không cần nhiều diện tích như trước nữa.
Trong khuôn viên sảnh chính LSE, lá cờ Việt Nam được thị hiện trang trọng như một cách thể hiện sự chào đón đặc biệt khi lần đầu tiên LSE tiếp đón Đoàn công tác từ Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu.
Câu chuyện về 2 nền kinh tế, 2 thị trường tài chính trở nên thân thiện ngay từ phút đầu tiên khi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward mở lời giới thiệu bằng tiếng Việt.
Ông nói, tại Việt Nam ông thích nói tiếng Việt, nhưng tại LSE, ông muốn được nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Anh. Theo Ngài Đại sứ, có 2 yếu tố đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là Việt Nam rất coi trọng hoạt động giáo dục, đào tạo và có nhiều nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Đại sứ, 90% vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, đây là diễn biến rất tốt, nhưng bước tiếp theo, Việt Nam cần mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, để chuyển dần sang nền kinh tế carbon thấp, giữ môi trường sống an lành.
Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm tại nơi các doanh nghiệp tuyên bố niêm yết trên LSE
Đại sứ cũng chia sẻ, đây là lần đầu tiên thủ phủ của nền tài chính Anh được đón Đoàn công tác của ngành tài chính Việt Nam và ông tin “thỏi nam châm” thu hút đầu tư quốc tế - LSE sẽ giúp được Việt Nam, giúp các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong quá trình gọi vốn và quảng bá thương hiệu ra toàn cầu.
Vậy LSE có gì để giúp được doanh nghiệp Việt Nam? “Đặc sản” của LSE chính là việc giúp các doanh nghiệp toàn cầu huy động vốn. Câu chuyện về Brexit, về nước Anh, thông qua truyền thông khiến nhiều người cảm thấy “ở đây có nhiều bất ổn”, nhưng chuyên gia LSE chia sẻ một thực tế khác với những gì dư luận nghĩ.
Năm 2018, LSE giúp 79 doanh nghiệp trên toàn cầu huy động trên 9 tỷ Euro vốn thông qua IPO, giữ vị trí thị trường số 1 châu Âu về huy động vốn, trong khi vị trí thứ hai đứng cách rất xa LSE, lượng huy động vốn chỉ đạt 1/4 so với LSE.
6 tháng đầu năm 2019, LSE giúp các doanh nghiệp huy động thêm 6 tỷ Euro, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này đi ngược với bức tranh chung trên toàn châu Âu (IPO giảm 30%), cho thấy, thị trường chứng khoán Anh có sức hấp dẫn riêng.
Sức hấp dẫn ấy đủ sức khiến nó không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những diễn biến không tích cực xảy ra trên phạm vi châu Âu và toàn cầu.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với Ngài Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Anh tại Việt Nam tại Sở GDCK London.
Ở Việt Nam, 2 quỹ đầu tư, 1 của Dragon Capital và 1 của VinaCapital cũng đã IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn. Theo thời gian, cả 2 quỹ đều đạt được kết quả tích cực. Quy mô vốn huy động cũng như giá chứng chỉ quỹ đều tăng.
Chia sẻ với Đoàn công tác Việt Nam về sự tăng trưởng của 2 mã chứng khoán đến từ Việt Nam, chuyên gia LSE dừng lại một chút khi nói rằng, họ rất hạnh phúc khi từ năm 1984 đến nay, LSE đã giúp các doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu huy động được lượng vốn lên tới gần 500 tỷ Euro – tập trung một nguồn lực rất lớn hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng và mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể tham gia thị trường.
Liên quan đến thị trường châu Á, chuyên gia LSE chia sẻ, cách đây không lâu, LSE đã kết nối với Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. “Đó là kết quả của quá trình làm việc miệt mài và thời khắc hợp tác đó thật xúc động”, ông chia sẻ và kể rằng, Huatai - một công ty Trung Quốc đã huy động được 1,4 tỷ Euro tại LSE và sau đó, cổ phiếu của Huatai vẫn được giao dịch tại nước sở tại.
Sắp tới LSE sẽ giúp IPO cho 1 công ty Trung Quốc nữa, đồng thời LSE sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tại một số nền kinh tế gần gũi với Việt Nam gọi vốn toàn cầu.
“Khi các doanh nghiệp ở những thị trường anh em với Việt Nam kết nối gọi vốn hiệu quả trên LSE, các bạn sẽ thấy LSE gần gũi hơn và khả năng hợp tác giữa LSE với thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rộng mở”, chuyên gia LSE nói.
Ông Nikhil Rathi, Tổng giám đốc điều hành Sở GDCK Londo tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Điểm mà LSE hy vọng là các doanh nghiệp Việt Nam hãy “kể câu chuyện của mình về nhu cầu vốn và kế hoạch tăng trưởng”, nhất là các doanh nghiệp nhà nước lớn đang cần cổ phần hóa, hay các doanh nghiệp tư nhân đang cần gọi thêm nguồn lực để vươn ra toàn cầu.
Tất nhiên, gọi vốn trên sàn chứng khoán Luân Đôn không phải là việc dễ dàng khi Việt Nam đa số chưa thực hiện báo cáo tài chính quốc tế, chưa công bố thông tin bằng tiếng Anh hay chưa từng phải tuân thủ chuẩn mực cũng như kỷ luật minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế...
Nhưng cánh cửa đón doanh nghiệp Việt Nam tìm đến LSE rộng mở và mối quan hệ giữa 2 thị trường trở nên thân thiện hơn khi người Anh nhìn thấy rõ hơn tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam sau gần 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Đại sứ Vương Quốc Anh chia sẻ, hơn 310 nghìn người Anh đến thăm Việt Nam năm 2018 và con số kỷ lục gần 20 nghìn thị thực được cấp cho người Việt Nam vào năm ngoái.
Nhu cầu thị thực tăng khoảng 25% cho thấy sự kết nối đang ngày càng rõ nét. Việt Nam tổ chức roadshow tại Luân Đôn được ông cho rằng, là sự kiện xúc tiến đầu tư lớn nhất từ Việt Nam nhằm gắn kết 2 nền kinh tế, gắn kết dòng hợp tác, đầu tư từ doanh nghiệp Việt Nam đến Vương quốc Anh.
Chuyên gia LSE chia sẻ, họ mong muốn sẽ sớm có doanh nghiệp Việt Nam chọn LSE như “ngôi nhà của mình”, bước chân lên sàn Luân Đôn để “thế giới nhìn thấy doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn”.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam thì sao? Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vietinbank, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Agriseco, Tập đoàn Bảo Việt, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Mobifone... đã đặt lịch làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng tại Luân Đôn.
Đích đến sàn LSE không còn xa khi LSE có thêm niềm tin vào sự phát triển của nền kinh tế sau chuyến công tác xúc tiến đầu tư vào Việt Nam của tư lệnh ngành tài chính.
Phía trước Sở GDCK London
Một tin vui đáng chờ đợi khác là lãnh đạo Tổ chức FTSE Russsel chia sẻ, họ có nhiều niềm tin và đánh giá khả quan về triển vọng được xem xét nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian ngắn tới sau khi lắng nghe Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải đáp một số điểm chưa đạt trong 21 tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường.
Không có con bò, con gấu hay những hình tượng đặc trưng cho thị trường tài chính như các nước khác, Quảng trường Paternoster có một bức tượng rất giản dị.
Đó là hình tượng 1 người chăn cừu, đang dẫn 5 con cừu... đi dạo. Những chú cừu được nuôi dưỡng để cung cấp sản phẩm lông cừu, làm nguyên liệu cho con người sản xuất ra nhiều món hàng hữu dụng cho cuộc sống, nhưng chúng có 1 đặc điểm rất dễ mến là sự thân thiện và mỗi khi thu hoạch một bộ lông cừu, thì chú cừu lại tiếp tục sản sinh ra bộ lông mới.
Hình ảnh của đàn cừu nơi đây dễ làm người đến liên tưởng đến sự trù phú của thị trường chứng khoán Anh quốc - nơi thị trường được điều hành với tư duy cung cấp một nền tảng kết nối toàn cầu, giúp các chủ thể tham gia làm giàu thêm năng lực kinh doanh hoặc khối tài sản của mình.
Đặc điểm này khác với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, như chia sẻ của chuyên gia LSE, ở chỗ, thị trường Mỹ - thị trường lâu đời nhất thế giới, chủ yếu phục vụ cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu tìm đến LSE để viết tiếp câu chuyện thành công.