Niêm yết trên sàn London: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

(ĐTCK) Năm 2007, quỹ ngoại đầu tiên hoạt động tại Việt Nam là Indochina Capital đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London, sau đó năm 2016, hai quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam là VOF (thuộc VinaCapital) và VEIL (thuộc Dragon Capital) đã niêm yết chứng chỉ quỹ trên sàn LSE. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể bước chân lên sàn LSE để tìm nhà đầu tư chuyên nghiệp và gọi vốn với lãi suất thấp hơn? 
Niêm yết trên sàn London: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Thực tế huy động vốn của doanh nghiệp Việt

Ở Việt Nam, khi doanh nghiệp có nhu cầu vốn thường sẽ nghĩ ngay tới vay vốn ngân hàng như là kênh truyền thống và dễ tiếp cận nhất. Tiếp theo là gọi vốn từ cộng đồng, nhà đầu tư riêng lẻ hoặc chào bán công khai cổ phiếu lần đầu (IPO), đưa cổ phiếu lên sàn để gọi vốn từ các cổ đông hiện hữu.

Nếu ở quy mô nhỏ hay công ty gia đình, việc gọi vốn sẽ chỉ ở phạm vi hẹp trong vài cổ đông. Để thuyết phục các cổ đông bỏ thêm vốn, doanh nghiệp phải thuyết minh, trình bày, đàm phán một cách rất chi tiết, tương tự như khi phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược. Các cổ đông thực thụ này cần nắm rõ được tình hình công ty và quản lý được số vốn họ bỏ vào, đảm bảo rủi ro ở mức tối thiểu nhất.

Thế nhưng, khi chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi, tài liệu quan trọng nhất là bản cáo bạch lại được thể hiện chung chung về tài chính của dự án, dẫn tới việc cổ đông nhỏ lẻ hầu như “mù tịt” về mục đích sử dụng vốn, hiệu quả của công ty.

Việc phát hành diễn ra tương đối dễ dàng, các điều khoản phát hành cũng đơn giản khi chỉ cần một đơn vị tư vấn phát hành, kiểm toán và luật. Vì có thể gọi vốn theo nhu cầu và không cần quan tâm tới giá trị thực của cổ phiếu nên có nhiều doanh nghiệp ưa chuộng hình thức huy động vốn này.

Trên thực tế, nguồn vốn từ chào bán cho cổ đông hiện hữu không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, trong khi huy động vốn từ thị trường cổ phiếu còn khá khiêm tốn so với kênh truyền thống là ngân hàng, vì nhận thức cũng như chuyên môn của nhà đầu tư, cùng với số lượng nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam còn quá ít so với các quốc gia phát triển.

Trên sàn chứng khoán, có khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các nước có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam, với nhiều loại sản phẩm như thủy sản, gỗ, dệt may, sữa, phần mềm… Trong đó, một số doanh nghiệp có tỷ trọng tiêu thụ nội địa khá nhỏ so với doanh thu xuất khẩu, điều này chứng tỏ một phần thị trường nội địa chưa chấp nhận rộng rãi sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, cho dù sản phẩm xuất khẩu có tiêu chuẩn chất lượng cao, mẫu mã đẹp.

Tương tự, cổ phiếu trong tư duy của nhà đầu tư Việt lâu nay vẫn là một công cụ đầu tư mang tính đầu cơ, nhiều rủi ro. Để giải quyết bài toán này, thay vì “xuất khẩu” sản phẩm liên quan tới hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nên tư duy ngược lại là “nhập khẩu" dòng vốn trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài để vừa có thể đáp ứng nhu cầu vốn tốt hơn, vừa giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp ra thị trường thế giới.

Sơ lược về LSE

Năm 2007, quỹ ngoại đầu tiên có hoạt động đầu tư tại Việt Nam là Indochina Capital đã niêm yết trên LSE và gần đây nhất, vào năm 2016, hai quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam là VOF (thuộc VinaCapital) và VEIL (thuộc Dragon Capital) đã chuyển sàn và niêm yết chứng chỉ quỹ của mình trên sàn này với mục đích quảng bá hình ảnh, nâng cao tính chuyên nghiệp và thu hút thêm vốn từ nước ngoài. Hiện tại, có thể thấy, cơ cấu vốn hoạt động của các quỹ ngoại đa phần tới từ nước ngoài, cụ thể là các khu vực phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản…, trong khi vốn của nhà đầu tư cá nhân Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 5%. Song, điều này cũng không có gì lạ khi các quỹ ngoại thường có xu hướng niêm yết chứng chỉ quỹ trên những thị trường mà họ thu hút vốn từ đó.

Thực tế, việc đơn thuần niêm yết chứng khoán, hay rộng hơn là thu hút vốn tại các thị trường phát triển không quá khó khăn và khắt khe như nhiều doanh nghiệp vẫn suy nghĩ. Các điểm chính yếu về thách thức cũng như cơ hội sẽ được đưa ra ở phía dưới, song trước hết hãy cùng sơ lược qua thị trường mà những quỹ ngoại tại Việt Nam đã chọn là LSE để “cắm cờ”.

LSE có trụ sở đặt tại London, thủ đô Vương quốc Anh, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1801, LSE nằm trong nhóm các sàn chứng khoán lâu đời nhất thế giới, với nhiều công ty trong Liên hiệp Anh và ở nước ngoài niêm yết. Xét về vốn hóa thị trường, LSE đang đứng thứ ba thế giới, sau hai  sàn chứng khoán NYSE và Nasdaq của Mỹ, với quy mô vốn hóa trên 6.000 tỷ USD và gần 3.100 công ty đại chúng niêm yết.

LSE cũng là một trong những sàn giao dịch có tính quốc tế hóa cao nhất thế giới khi có các công ty từ hơn 60 quốc gia niêm yết cổ phiếu, cung cấp những sản phẩm tài chính đa dạng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư.

Niêm yết trên sàn London: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt? ảnh 1

Các chỉ số FTSE trên sàn LSE (Nguồn:www.hl.co.uk).

Theo các chuyên gia từ LSE, khi niêm yết trên sàn này, doanh nghiệp có thể đạt được một số mục tiêu chính như: Tạo một hồ sơ “đẹp hơn” khi gia nhập thị trường quốc tế khác; huy động vốn từ các đối tượng nhà đầu tư quốc tế đa dạng nhất; chọn thị trường phù hợp với các nhu cầu của doanh nghiệp; tương tác với các nhà tư vấn, cơ quan quản lý có kinh nghiệm sâu sắc về thị trường quốc tế. Các thị trường chính ở LSE được phân loại thành bốn phân khúc với các đặc điểm như sau:

Main Market: Là một trong những thị trường cổ phiếu đa dạng nhất thế giới với các công ty đến từ hơn 40 lĩnh vực khác nhau. Main market giúp các doanh nghiệp truy cập một cách mạnh mẽ, định giá real-time, tiếp cận với những nguồn vốn cực kỳ lớn, đánh giá thông qua các chỉ số FTSE UK Index Series và các sản phẩm đa dạng khác về truyền thông, nghiên cứu, các thông báo...

Main Market được chia thành 3 nhóm để phù hợp với đa dạng hoạt động kinh doanh và chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết, bao gồm Premium (đây là “nhà” của những tập đoàn lớn nhất thế giới, tuân theo những chuẩn mực quy định và pháp lý cao nhất), Standard (các doanh nghiệp trong nhóm này phải tuân thủ những chuẩn mực tối thiểu của EU đối với cổ phiếu, chứng khoán nợ...) và High Growth Segment (một sản phẩm mới của Main Market, được thiết kế cho các chứng khoán vốn có tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu tạo ra ở mức tốt từ hoạt động kinh doanh sau một khoảng thời gian nhất định và có tiềm năng để chuyển lên danh sách Premium, tuân theo những chuẩn mực tối thiểu của EU và HGS Rulebook của LSE).

AIM: Là thị trường dành cho những công ty có quy mô nhỏ hơn, công ty đang phát triển và là một trong những thị trường tăng trưởng thành công nhất, cung cấp các nguồn vốn quan trọng cho đa dạng hoạt động kinh doanh, từ giai đoạn khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các startup, cho tới các tổ chức đã trưởng thành.

Professional Securities Market: Thị trường này dành cho các chứng chỉ lưu ký niêm yết, cho phép các nhà phát hành hưởng lợi từ tính linh hoạt và cách tiếp cận thực tế với các yêu cầu quy định.

Specialist Fund Market: Cung cấp một thị trường đa dạng cho các nhà quản lý đầu tư, bao gồm các nhà quản lý quỹ phòng hộ lớn, quỹ cổ phần cá nhân và thị trường mới nổi, các quỹ chuyên biệt về bất động sản.

Niêm yết trên LSE, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Trên website của LSE (www.londonstockexchange.com) đăng tải những tài liệu hướng dẫn chi tiết cho nhà phát hành lựa chọn thị trường, nhà tư vấn phù hợp. Các nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét các khía cạnh cũng chủ yếu liên quan tới tài chính, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hơn không nằm ở việc lên sàn, mà là làm thế nào để bán được cổ phiếu sau đó. Để hiện thực hóa điều này, doanh nghiệp phải thành lập văn phòng đại diện, bộ phận chuyên trách để phục vụ thị trường nước ngoài, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư, liên kết với các công ty tại thị trường này để quảng bá hình ảnh thông qua truyền hình, các ấn phẩm báo chí, trang tin tức, báo cáo phân tích và các cộng đồng đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình thẩm định cũng rất chi tiết, kỹ lưỡng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có sự chuẩn bị rất chu đáo.

Thực tế cho thấy, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành nghề truyền thống của Việt Nam là không dễ dàng do các thị trường phát triển quan tâm nhiều tới các doanh nghiệp có yếu tố công nghệ cao như chính cơ cấu nền kinh tế của họ.

Những ngành nghề thâm dụng vốn và lao động dần được dịch chuyển sang những nước đang phát triển. Bên cạnh đó, quy mô về vốn và thị giá cổ phiếu quá nhỏ của đa phần doanh nghiệp Việt sẽ khó để các quỹ tương hỗ mua vào do điều lệ về quỹ không cho phép.

Một giải pháp huy động vốn từ thị trường chứng khoán nước ngoài từng được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) áp dụng là sử dụng chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs). Cụ thể, năm 2011, HAG thực hiện niêm yết hơn 24 triệu chứng chỉ, tương đương hơn 16 triệu cổ phần, để huy động hơn 60 triệu USD.

Mặc dù bản chất là sản phẩm phái sinh với tài sản cơ sở là cổ phiếu, không phải tuân theo các quy định khắt khe của chuẩn mực quốc tế, nhưng HAG đã mất gần 2 năm để thực hiện kế hoạch niêm yết. Hiện tại, HAG đã hủy niêm yết chứng chỉ này do số lượng quá nhỏ và đã được mua lại.

Hiện nay, trong 100 cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE 100 (là chỉ số 100 công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất sàn LSE), công ty có vốn hóa nhỏ nhất cũng khoảng 1,82 tỷ USD (lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn FPT). Bên cạnh đó, phí phát hành lần đầu cổ phiếu tại thị trường cũng ở mức khá cao tính theo mức vốn hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành còn phải trả một khoản phí thường niên cho các chứng khoán dựa trên vốn hóa tính trên giá đóng cửa của năm trước khi niêm yết.

Ngoài các loại phí nộp cho LSE kể trên, phí tổn hàng năm cho các luật sư, kiểm toán, bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR), quan hệ công chúng (PR), tư vấn tài chính, phí để lưu trữ hồ sơ (transfer agent), phí đăng ký với cơ quan chính phủ… cũng không phải là con số nhỏ, đó là chưa kể các tập đoàn có nhiều công ty con thì mức phí sẽ còn được đẩy lên cao hơn.

Có thể nói, việc cân nhắc đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường chứng khoán nước ngoài thực sự là một bài toán khó trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp vì phải cân nhắc giữa lợi ích mang lại so với các loại chi phí bỏ ra.

Như vậy, để đáp ứng cho chiến lược lên sàn chứng khoán ngoại, mà cụ thể ở đây là sàn LSE, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt vẫn là năng lực tổ chức, phí tổn, sự khác nhau về các quy định, chuẩn mực giữa hai thị trường.

Tính riêng nhóm doanh nghiệp có quy mô từ mức trung bình vốn hóa từ 10.000 - 40.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,43 - 1,7 tỷ USD) thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) theo bảng chỉ số FTSE, những doanh nghiệp này nên chọn sàn AIM để thử nghiệm trước.

Ở AIM, các đối tượng ưa thích những công ty quy mô tầm này thường là các quỹ mạo hiểm, chấp nhận độ rủi ro cao, thời gian nắm giữ của các quỹ sẽ không quá lâu, khoảng 3 - 5 năm. Điều này sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt trong việc đảm bảo tăng trưởng một cách nhanh chóng, không loại trừ M&A các công ty mới để phát triển nhanh hơn.

Trường hợp thận trọng hơn, tạm gọi là bước “tập dượt”, các doanh nghiệp Việt có thể chọn một đơn vị tư vấn trong nước liên kết với các ngân hàng quốc tế như BNY Mellon, Deutsche Bank, Citibank, JP Morgan Bank… để phát hành GDRs như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từng áp dụng. Hoạt động niêm yết và giao dịch GDRs độc lập với các cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành trong nước. Thách thức sau quá trình gọi được vốn sẽ là nâng cao tính minh bạch, báo cáo kịp thời, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp và duy trì tính thanh khoản của các chứng chỉ lưu ký để chuẩn bị tốt hơn cho đợt phát hành sau này.

Nhìn chung, những khó khăn sau quá trình gọi vốn để duy trì và phát huy được sức mạnh của các thị trường quốc tế là bước đi dài hạn, cần thời gian để chuẩn bị hơn là cố gắng niêm yết và sau đó cổ phiếu rơi vào quên lãng. Lợi ích thực sự của việc niêm yết tại các sàn chứng khoán lớn chính là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó cũng là động lực để Quỹ VOF chuyển từ sàn AIM sang Main Market sau khi quy mô tài sản quản lý gia tăng, tương tự với Quỹ VEIL cũng được thêm vào rổ chỉ số FTSE 250 Index sau khi niêm yết trên AIM.

Đối với các doanh nghiệp, 2 lợi ích lớn nhất khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phát triển có thể nhận thấy là: Thứ nhất, khi nâng cao tính minh bạch, bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn thì giá trị thực của doanh nghiệp có thể được phản ánh một cách trung thực và chính xác hơn, vì tại các thị trường này, mức độ hiệu quả cao hơn, nhà đầu tư theo đó có thể sẵn lòng trả giá “thoáng hơn” cho các doanh nghiệp với thông tin rõ ràng, đồng thời họ cũng có thể thoái vốn nhanh hơn. Thứ hai, nâng cao tính thanh khoản, tiếp cận với các dòng vốn rất lớn cho những mục tiêu, dự án lớn hơn.

Đối với nền kinh tế, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngoại giúp thu hút nguồn vốn ngoại mạnh và nhanh hơn nhiều so với sàn nội địa, đồng thời tạo hình ảnh tốt hơn, làm tiền đề để kết nối các thị trường chứng khoán trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường tài chính Việt Nam.

Thực tế, Trung Quốc đã thành công khi mạnh tay cho phép các doanh nghiệp nội địa niêm yết cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, giúp vốn hóa của các công ty này tăng hơn 1.000 tỷ USD. Gần đây, để thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp, cơ chế kết nối chứng khoán Thượng Hải - London (SLSC) đã được ra đời. Với cơ chế này, các công ty niêm yết tại Thượng Hải có thể niêm yết tại thị trường chứng khoán London thông qua việc phát hành GDRs, trong khi các công ty của Anh có thể phát hành phiếu biên nhận ký gửi Trung Quốc (CDR) tại thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Khi gia nhập một sân chơi lớn, chuyên nghiệp hơn, các doanh nghiệp sẽ phải tự ý thức phấn đấu để theo kịp cộng đồng, để nâng tiêu chuẩn của mình lên, cũng giống như một cá nhân muốn làm việc, rèn luyện tốt hơn thì nên tham gia vào những cộng đồng chuyên nghiệp đúng nghĩa, để từ đó chia sẻ, học hỏi nhiều góc nhìn khác và nâng cao khả năng của bản thân, tạo tiền đề vững chắc hơn cho tương lai.

VOT partners ( Email: info@votpartners.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục