Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng các công ty công nghệ tại Việt Nam cũng nở rộ với những cái tên như Tiki, MoMo, Foody, gần đây nhất là Shopee. Ngay cả ông lớn trong ngành ICT hiện nay là MWG cũng đã nhìn ra được tiềm năng và đầu tư cho trang thương mại điện tử Vuivui.com.
Với thực tế này, nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp công nghệ là rất lớn và đây cũng là lĩnh vực thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Thống kê của CB Insights, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tổng hợp cho thấy, tính đến hết tháng 9/2017, các start-up công nghệ của Đông Nam Á đã thu hút 6,5 tỷ USD vốn huy động, cao hơn gấp đôi so với năm 2016 và cao hơn gấp 5 lần so với năm 2015. Trong đó Việt Nam đứng thứ 4 về mức độ huy động vốn, xếp sau Singapore, Indonesia và Malaysia.
Tuy nhiên, ngoài một vài tên tuổi như FPT, CMT, ELC, CMG, sàn chứng khoán vẫn thiếu vắng các cổ phiếu công nghệ. Số doanh nghiệp niêm yết trong ngành này còn ít và hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp này chủ yếu được thực hiện qua phương thức kêu gọi vốn trực tiếp.
Vậy điều gì khiến sàn niêm yết chưa thu hút các chủ thể này tham gia? Chia sẻ tại diễn đàn M&A 2017 vừa qua, ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, doanh nghiệp đang sở hữu mạng xã hội Zalo với hơn 70 triệu người dùng cho biết, đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp từ trước tới nay chưa đáng kể, với khoản tiền dưới 100 triệu USD. Trong khi đó, Đông Nam Á có hơn 7.000 startup, 80% tập trung ở Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Lý giải cho thực trạng này, dưới góc độ đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, trong một thế giới thay đổi từng ngày, công ty công nghệ phải nỗ lực tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Do đó, để nhận được sự hỗ trợ tối đa, cũng như nắm bắt cơ hội lớn, doanh nghiệp phải niêm yết hoặc kêu gọi đầu tư ở những sàn quốc tế, nơi tập trung đông đảo nhà đầu tư.
Ngoài ra, các yếu tố khác như pháp lý, tính thanh khoản, minh bạch, yếu tố đầu cơ, vị thế của thị trường trên trường quốc tế cũng là lý do công ty công nghệ lựa chọn thị trường nước ngoài.
Dẫu vậy, con đường niêm yết trên “chợ bạn” cũng không hề dễ dàng đối với các công ty công nghệ Việt. Có nhiều lý do cho tình trạng này, trong đó phải kể đến việc chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa rõ ràng.
VNG từng có ý định niêm yết trên sàn Nasdaq nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Minh, Chính phủ cần hỗ trợ giảm thiểu các thủ tục, giúp doanh nghiệp công nghệ có thể ra biển lớn, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, công tác định giá doanh nghiệp khi niêm yết cũng là một vấn đề. Đối với các công ty công nghệ, nhà đầu tư không đánh giá về quy mô mà tập trung vào ý tưởng, cũng như tiềm năng của ý tưởng, sản phẩm đó như thế nào.
“Việc định giá một doanh nghiệp chủ yếu sở hữu tài sản vô hình, sản phẩm trí tuệ như công ty công nghệ khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp đa phần là tài sản hữu hình”, ông Khánh nói.
Mặt khác, năng lực tiếp cận vốn hay quản trị công ty của doanh nghiệp cũng là một trở ngại trong việc hạn chế nhận được dòng vốn trên thị trường. Theo đó, lãnh đạo các công ty công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp thường vững về chuyên môn, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm quản trị. Vì vậy việc có các nhà đầu tư, định chế tài chính và cá nhân có khả năng quản trị, lãnh đạo và tư vấn là rất cần thiết để doanh nghiệp công nghệ có thể đi xa hơn.
Theo ông Khánh, ngoài việc cải thiện sự minh bạch thị trường, để thu hút những công ty công nghệ tìm đến thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn hiệu quả, có thể nghĩ tới phương pháp liên kết thị trường chứng khoán nội địa với các sàn quốc tế, từ đó giúp nhà đầu tư khắp nơi giao dịch dễ dàng dù niêm yết ở bất kể sàn nào.