“Chìa khóa” để vươn ra toàn cầu

(ĐTCK) Phiên giao dịch 22/3/2018, TTCK Việt Nam chính thức vượt qua mốc đỉnh lịch sử 1.170 điểm của 11 năm về trước và vươn lên mốc mới 1.180 điểm. Dù đà tăng bền vững của thị trường cần thêm thời gian để kiểm nghiệm, nhưng sức bật của chứng khoán Việt đã trở nên rõ ràng khi thị trường tiếp tục ghi thêm một dấu ấn đẹp trong mắt các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Trong bối cảnh TTCK Việt Nam chuyển động quanh vùng đỉnh, sự kiện đáng chú ý là Tổng giám đốc các Sở GDCK ASEAN vừa có phiên họp tại Manila, Philippines và tuyên bố sẽ tổ chức các chương trình quảng bá của các Sở GDCK ASEAN/Ðầu tư ASEAN trong khu vực châu Á để giới thiệu các cơ hội tăng trưởng của thị trường cổ phiếu ASEAN.

Mục đích chủ đạo của chương trình này là chung tay nỗ lực nhằm đưa các doanh nghiệp niêm yết và các sản phẩm tốt nhất trong khu vực đến với các nhà đầu tư tổ chức trên toàn cầu.

Cụ thể hơn, các Sở GDCK ASEAN dự kiến sẽ tổ chức đưa các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu của mình đi gặp gỡ và kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng. Chương trình này, nếu được thực hiện, sẽ mở thêm cánh cửa cho các doanh nghiệp (DN) lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam quảng bá ra thế giới, kêu gọi thêm các nguồn lực cho sự phát triển về dài hạn.

Thực tế, trong nỗ lực đưa DN niêm yết trên sàn chứng khoán Việt đến với quốc tế, Sở GDCK TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội đã tham gia hợp tác giữa các Sở GDCK ASEAN từ nhiều năm trước và giới thiệu 30 DN tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tham gia vào bộ chỉ số chung ASEAN.

Con đường bước ra thế giới đã được mở từ lâu, nhưng để bước được, điều kiện không thể thiếu là nỗ lực của DN, từ việc hoạch toán kế toán, kiểm toán, công bố thông tin, tuân  thủ pháp lý… đều phải chuẩn mực và trên cùng một quy chuẩn quốc tế, mới có thể sánh cùng và tạo nên lợi thế so sánh với các DN niêm yết trên các sàn quốc tế khác.

Trong khi đó, chất lượng minh bạch thông tin, tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán của DN nội địa còn yếu. Trên sàn niêm yết, tình trạng báo cáo tài chính của DN phải điều chỉnh số liệu sau kiểm toán vẫn diễn ra phổ biến.

Ngay cả với DN niêm yết lớn như Sabeco (SAB), tìm hiểu của phóng viên Ðầu tư Chứng khoán mới đây cho thấy, DN này hạch toán dòng tiền trả cổ tức hàng năm theo một cách khác biệt. Hàng năm DN này trả cổ tức trước cho cổ đông Nhà nước, sau đó cổ đông bên ngoài nhận sau.

Chưa kể, cứ tại ngày 31/12 hàng năm, SAB thực hiện bút toán giảm luôn Quỹ lợi nhuận chưa phân phối, từ đó hạch toán giảm vốn chủ sở hữu tương ứng với phần cổ tức sẽ chia cho năm tài chính đó, trong khi khoản cổ tức không thực chia vào ngày cuối năm này…

VN-Index tăng điểm, tô thêm cho TTCK Việt Nam một nét đẹp về sự bứt phá. Con đường hợp tác quốc tế rộng mở hơn, nhưng trong lòng thị trường còn rất nhiều việc cần nhà quản lý kiên định hướng DN đến sự chuyên nghiệp và bản thân các DN, bắt đầu từ những DN nổi bật nhất như SAB, VNM, DHG, GAS, VCB, BVH… cần tiên phong thực hiện quy chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế để dẫn dắt sự đổi mới, hướng chất lượng DN niêm yết tại Việt Nam nâng lên và vươn tầm.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục