Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến việc khách hàng không được chi trả tiền bảo hiểm là gì?
Nghĩa vụ tài chính của một người là rất lớn như nuôi dưỡng người trong gia đình, thanh toán các khoản nợ đã vay. Vì vậy, một người có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm với nhiều số tiền bảo hiểm khác nhau.
Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, các trường hợp không được trả tiền bảo hiểm gồm: đơn phương từ bỏ hợp đồng trong vòng 2 năm đầu tiên khi tham gia bảo hiểm; xảy ra các rủi ro (tai nạn, đau ốm, bệnh tật) thuộc các rủi ro không được ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết; xảy ra các trường hợp loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Ngoài ra, trường hợp khách hàng gian lận, khai báo thông tin không trung thực, không chính xác trong hợp đồng bảo hiểm và các văn bản là bộ phận gắn liền với hợp đồng bảo hiểm thì tùy theo mức độ ảnh hưởng của sự khai báo này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm.
Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm cần xem xét kỹ rủi ro được bảo hiểm, sự kiện được bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng, nếu chưa rõ có quyền yêu cầu giải thích. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm cho các rủi ro, sự kiện bảo hiểm không thuộc loại trừ bảo hiểm thì người được hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi.
Có ý kiến cho rằng, “bảo hiểm mua dễ khó đòi” và để giải quyết được quyền lợi thì thủ tục rất phức tạp. Thực tế có phải như vậy không?
Muốn được trả tiền bảo hiểm nhanh thì tuỳ thuộc vào việc khi xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc rủi ro được bảo hiểm, khách hàng có cung cấp được những bằng chứng chứng minh về rủi ro bảo hiểm đã xảy ra và mức độ thiệt hại thông qua những hoá đơn, chứng từ, tài liệu cần thiết cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu cung cấp đầy đủ, chính xác, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm theo đúng quy định của Bộ Tài chính là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ bộ hồ sơ nói trên.
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nghi vấn, doanh nghiệp được quyền tổ chức điều tra, xác minh thông tin, ví dụ khách hàng bị cảm cúm nhưng nằm viện, hay đau bụng nhưng nằm viện 1-2 tháng… Trong vòng 30 ngày, nếu không xác minh được thì doanh nghiệp vẫn phải trả tiền bảo hiểm. Trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các cơ quan chức năng điều tra thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra mới trả tiền bảo hiểm, ví dụ: tự thương, tự tử, chết rồi mới mua bảo hiểm, mắc bệnh hiểm nghèo rồi mới mua bảo hiểm.
Khách hàng nên lưu ý những điểm gì khi yêu cầu doanh nghiệp chi trả tiền bảo hiểm?
Trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm đều ghi rõ quyền lợi bảo hiểm bao gồm các khoản tiền được chi trả toàn bộ hay một phần số tiền được bảo hiểm (theo một số tiền nhất định hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền bảo hiểm, đồng thời cũng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết kèm theo giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm). Người tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn của các văn bản trên để được trả tiền bảo hiểm nhanh chóng và chính xác.
Tuy nhiên, một số trường hợp có nghi vấn về kê khai số tiền yêu cầu chi trả bảo hiểm chưa chính xác thường liên quan đến bệnh lý hoặc chi phí điều trị (như cảm cúm nằm nội trú 30 ngày, vết thương phần mềm điều trị 2 tháng), hoặc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm (theo Điều 213, Bộ luật Hình sự) thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền xác minh thêm.
Thời gian xác minh chậm nhất là 30 ngày (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm), doanh nghiệp bảo hiểm phải có kết luận thanh toán tiền bảo hiểm. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm gây khó khăn cho khách hàng thông qua việc đòi hỏi thêm nhiều thủ tục, giấy tờ hoặc trả tiền bảo hiểm không đúng quy định, khách hàng có thể khiếu nại đến Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Nếu vẫn chưa được doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết theo đúng cam kết của hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có thể khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm ra Tòa án hoặc Trọng tài để xử lý và được bảo vệ quyền lợi chính đáng.