Đua xây trung tâm dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trung tâm dữ liệu, được thúc đẩy bởi nền kinh tế kỹ thuật số đang mở rộng và mức tiêu thụ dữ liệu ngày càng tăng trong khu vực.
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang tăng trưởng nhanh.

Hàng loạt “ông lớn” tham gia

Sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên tại TP.HCM, mới đây, Công ty cổ phần VNG hợp tác với doanh nghiệp của Singapore là ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại đây, bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center, tọa lạc tại Khu chế xuất Tân Thuận) và thành lập một trung tâm dữ liệu mới với tên gọi STT VNG Ho Chi Minh City 2 cũng đặt tại khu chế xuất này và cách cơ sở đầu tiên 1,5 km. Trung tâm dữ liệu số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026.

Có trụ sở chính tại Singapore, STT GDC đang cung cấp dịch vụ colocation (cho thuê chỗ đặt máy chủ) toàn cầu thông qua mạng lưới hơn 95 trung tâm dữ liệu, trải rộng 20 thị trường trên thế giới. Sự hợp tác giữa STT GDC và VNG được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thông qua thiết lập và phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong một trường hợp khác, tại Hội thảo Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế diễn ra tại TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, năm 2025, Tập đoàn Viettel sẽ đầu tư xây dựng 1 trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại huyện Củ Chi. Dự án được triển khai trên diện tích đất 40.000 m2, tổng mức đầu tư 14.700 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp công nghệ, lĩnh vực trung tâm dữ liệu còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngoài ngành. Đơn cử, trong văn bản mới đây gửi UBND TP.HCM và Ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) TP.HCM, doanh nghiệp chuyên về xây dựng là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đã bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư dự án trung tâm dữ liệu tại đây.

Trong danh mục thu hút đầu tư mà SHTP đã công bố trước đó, dự án trung tâm dữ liệu được xây dựng tại Lô T4-3 với diện tích 3 ha, vốn đầu tư không thấp hơn 100 triệu USD/ha và giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.

Theo Coteccons, nhà thầu xây dựng này quan tâm đến lĩnh vực trung tâm dữ liệu từ năm 2023 và sau khi tìm hiểu các tiêu chí đầu tư, tiến hành khảo sát thực địa, Coteccons nhận thấy dự án hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp và các đối tác.

Trong báo cáo mới đây, Jones Lang Lasalle (JLL) đánh giá, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom… thống trị với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn, nhưng nay bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, với một số dự án đáng chú ý có thể kể đến như Trung tâm dữ liệu công suất 20 MW của Gaw Capital tại SHTP, hay dự án công suất 30 MW của Worldwide DC Solution - nhà phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Singapore và dự án hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản NTT với DQ Tek.

Đáng chú ý, “ông lớn” thương mại điện tử đến từ Trung Quốc - Alibaba cũng đã công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu tìm đến Việt Nam như là thị trường trung tâm dữ liệu tiềm năng trong khu vực, giúp tăng tính cạnh tranh của thị trường và đa dạng hóa các dịch vụ.

Việt Nam có giá đất trung bình thấp nhất khu vực, với 168 USD/m2 cho các dự án trung tâm dữ liệu. Đây cũng là yếu tố khiến việc đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế.

Tại dự án trung tâm dữ liệu ở Khu công nghệ cao TP.HCM nêu trên, ngoài Coteccons, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cũng bày tỏ sự quan tâm. Hyosung cho biết, bên cạnh các dự án đang triển khai tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn còn mong muốn đẩy mạnh phát triển các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin như trung tâm dữ liệu.

Cụ thể, Hyosung đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư dịch vụ Data Center tại Việt Nam với quy mô dự kiến 1.500-4.000 racks đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế Tier-3 nghiêm ngặt phục vụ riêng cho nhu cầu của các khách hàng siêu lớn.

Cơ hội thu hút vốn ngoại

Bà Celina Chua - Giám đốc Giải pháp khách hàng trung tâm dữ liệu (APAC) tại JLL đánh giá, Việt Nam đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà các nhà đầu tư và vận hành quốc tế đang tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường.

“Nhờ có vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở châu Á”, bà Celina Chua nói và nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng các cơ hội này, với sự hỗ trợ ngày càng tăng từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn về các dịch vụ kỹ thuật số, giúp định hình một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành này tại đây.

Cơ sở để bà Celina Chua tin tưởng là Quy hoạch Điện VIII mới được phê duyệt của Việt Nam đặt ra chiến lược nâng tổng công suất phát điện của quốc gia từ khoảng 80 GW lên 155 GW thông qua đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, giảm phụ thuộc vào điện than và chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn.

Quá trình chuyển đổi này rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và tin cậy để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lĩnh vực trung tâm dữ liệu vốn tiêu tốn nhiều năng lượng và đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam.

Kế hoạch đóng vai trò nền tảng trong việc hỗ trợ và cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu vận hành ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu vốn rất quan trọng cho việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số nơi đây.

Trong khi đó, báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu giai đoạn 2023-2024 của Cushman & Wakefield cho biết, Việt Nam có giá đất trung bình thấp nhất khu vực, với 168 USD/m2 cho các dự án trung tâm dữ liệu. Đây cũng là yếu tố khiến việc đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế.

“So với các thị trường đi trước, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam còn đang trong giai đoạn sơ khai, tốc độ phát triển khiêm tốn hơn. Song, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh cùng lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu toàn cầu”, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá.

Dù vậy, bà Trang Bùi cũng nhìn nhận, không gì là tồn tại mãi mãi và lợi thế về chi phí cũng không phải ngoại lệ, do đó Việt Nam cần nhiều động thái hơn để hướng đến phát triển bền vững, tận dụng tối đa các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ như sự số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), sự xuất hiện của 5G và nội địa hóa dữ liệu.

Theo chuyên gia Cushman & Wakefield, muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế và phát triển bền vững, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu, đảm bảo khả năng mở rộng và tính ổn định, tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng các ưu đãi thuế và hỗ trợ cần thiết khác, bên cạnh tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục