Văn phòng, trung tâm dữ liệu: Thêm lợi thế chi phí rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí xây dựng, cải tạo văn phòng, trung tâm dữ liệu nằm trong nhóm thấp nhất khu vực đang là lợi thế lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Chi phí xây dựng rẻ đang là lợi thế lớn của phân khúc văn phòng Chi phí xây dựng rẻ đang là lợi thế lớn của phân khúc văn phòng

Giá “mềm” nhất khu vực

“Việt Nam có mức giá thi công văn phòng ‘mềm’ thứ nhì khu vực châu Á - Thái Bình Dương” hay “Việt Nam có chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu trong nhóm thấp nhất khu vực”, đây được xem là những điểm cộng lớn làm tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế đối với 2 phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam, đó là văn phòng cho thuê và trung tâm dữ liệu.

Cụ thể, trong Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2023 do Cushman & Wakefield thực hiện cho thấy, Việt Nam có chi phí trung bình thấp nhất khu vực, với 168 USD/m2 cho các dự án trung tâm dữ liệu.

Dữ liệu được khảo sát từ 37 thành phố của 14 thị trường trọng điểm, tập trung vào chi phí phát triển dự án trung tâm dữ liệu, bao gồm giá mua đất, chi phí phá dỡ và giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trung tâm tiêu chuẩn và trung tâm cao cấp tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Cushman & Wakefield, 5 thị trường có mức giá đất trung bình cao nhất khu vực gồm Singapore (11.573 USD/m2), Hàn Quốc (9.695 USD/m2), Hồng Kông - Trung Quốc (3.418 USD/m2), Nhật Bản (3.320 USD/m2) và Trung Quốc Đại lục (2.966 USD/m2). Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự khan hiếm quỹ đất cùng với nguồn điện sẵn có, kết hợp với lãi suất gia tăng… góp phần làm tăng giá mua đất.

Mức giá đắt đỏ của những thị trường này có thể mang lại những cơ hội đầu tư tốt hơn cho các thị trường tại Đông Nam Á nhờ có giá đất cạnh tranh. Trong đó, Việt Nam có giá trung bình thấp nhất khu vực với 168 USD/m2 cho các dự án trung tâm dữ liệu.

Cũng trong Báo cáo chi phí thi công văn phòng châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, Cushman & Wakefield nhận định, Việt Nam đang “đi lối đi riêng”, ngược với bối cảnh chung.

Cụ thể, Cushman & Wakefield cho biết, lạm phát dai dẳng, thị trường lao động thắt chặt và chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn… là những nguyên nhân làm tăng chi phí thi công văn phòng trung bình trên khắp khu vực. Mức tăng trung bình là 18% trên toàn khu vực khi tính bằng nội tệ, tương đương 7% khi tính theo USD.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia có chi phí thi công văn phòng thấp thứ nhì toàn khu vực với 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM, chỉ xếp sau một số thành phố ở Ấn Độ. Giá thi công văn phòng tại 2 thành phố này lần lượt là 65 USD/feet vuông và 63 USD/feet vuông, cao hơn so với mức 60 USD/feet vuông tại một số thành phố của Ấn Độ.

Mức chênh lệch giữa các thị trường cũng rất lớn, thậm chí cao hơn 3 lần ở nhóm đầu và nhóm cuối. Chẳng hạn, tại nhóm đắt đỏ nhất có Tokyo (201 USD/feet vuông), Osaka (196 USD/feet vuông), Nagoya (192 USD/feet vuông)...

So với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, mức giá thi công văn phòng tại Việt Nam cũng rất “dễ chịu”. Tại Manila (Philippiné), mức giá thi công văn phòng là 92 USD/feet vuông; Bangkok (Thái Lan) là 85 USD/feet vuông; Kuala Lumpur (Malaysia) là 83 USD/feet vuông…

Lợi thế trong “trend” đề cao tính bền vững

Trong các loại tài sản được ưu tiên, văn phòng hạng A đang được nhiều nhà đầu tư nhìn nhận rất tiềm năng và trong nhiều yếu tố, chi phí xây dựng và cải tạo rẻ là một điểm nổi bật.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang không chỉ cạnh tranh trong thu hút đầu tư từ các lợi thế như tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ bên ngoài vào, chính sách “Trung Quốc+1”…, mà với việc có chi phí phát triển dự án thấp, Việt Nam còn được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực văn phòng cho thuê, trung tâm dữ liệu quan tâm.

Cushman & Wakefield cho biết, trong một sự kiện có sự tham gia của 80 nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới do đơn vị này tổ chức cách đây 2 tháng, khi thăm dò ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp về các thị trường đầu tư bất động sản ưa thích, câu trả lời đa số gọi tên Nhật Bản, Úc và Việt Nam.

Theo Cushman & Wakefield, trong các loại tài sản được ưu tiên, văn phòng hạng A đang được nhiều nhà đầu tư nhìn nhận rất tiềm năng và trong nhiều yếu tố, chi phí xây dựng và cải tạo rẻ là một điểm nổi bật.

Theo Savills Prospects, các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu và khoa học đời sống là những xu hướng lớn của thế giới và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trước xu hướng suy giảm của bất động sản thế giới. Các phân khúc này được đánh giá có cơ hội tạo ra nhiều doanh thu hơn so với việc cho thuê truyền thống. Đồng thời, các lĩnh vực này đều đang trong giai đoạn phát triển ban đầu tại nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư thời điểm này có cơ hội nắm bắt được lợi thế dẫn đầu.

Theo nghiên cứu của Savills Prospects, trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động sôi nổi nhất với 2,5 tỷ USD được đầu tư mới - cao hơn so với kỷ lục trước đó của chính họ vào năm 2018 (1,4 tỷ USD), trong đó thị trường được nhắm tới là các nước Đông Nam Á và Úc.

Theo Savills, Việt Nam vẫn đang được xem là điểm đến đầu tư ưa thích của các tên tuổi lớn. Trong nước, những yêu cầu về bất động sản xanh gắn với ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) cũng ngày càng nhiều hơn, đặt các nhà phát triển dự án trước sự chuyển mình để bắt kịp xu hướng này.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, dòng vốn FDI đang cho thấy nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh. Ngoài ra, các phân khúc liên quan tới bất động sản xanh tại Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quan tâm, khi các cam kết về ESG và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành một yêu cầu quan trọng. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã có cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản xanh được đẩy lên cao.

Trong xu hướng đề cao phát triển bền vững, cơ hội cho các tòa văn phòng mới theo các tiêu chuẩn xanh, hay cải tạo các văn phòng cũ theo hướng này là rất lớn. Thực tế này cộng với chi phí xây dựng, cải tạo văn phòng cạnh tranh, tương tự như vậy với việc phát triển các trung tâm dữ liệu, được xem là thời cơ tốt để Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói chung, phân khúc văn phòng và trung tâm dữ liệu nói riêng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Có 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào tốp 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn, có 31% xếp Việt Nam vào tốp 3, trong đó 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.

“Đã rất rõ ràng, nhóm châu Âu tin tưởng vào Việt Nam”, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm rằng, gần 1/3 thành viên EuroCham xếp hạng Việt Nam là 1 trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của cộng động doanh nghiệp EU đối với môi trường đầu tư Việt Nam.

Ông Gabor Fluit cũng nhấn mạnh về tính bền vững: “80% thành viên EuroCham ưu tiên ESG và nhấn mạnh cam kết về sự tăng trưởng có trách nhiệm giữa các doanh nghiệp”.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục