Khách du lịch tấp nập trở lại
Thị trường du lịch từ đầu năm 2024 đến nay diễn ra sôi động. Theo Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 vừa qua đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty Du lịch WonderTour nhận định, nhìn vào thị trường chung, chắc chắn năm 2024 sẽ ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu, lượng khách của các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, tùy từng quy mô doanh nghiệp mà tốc độ tăng trưởng sẽ khác nhau. Tính đến hết tháng 4/2024, WonderTour ghi nhận doanh thu tương đương 30% cả năm 2023, trong khi mùa cao điểm hè mới bắt đầu và vụ tour quốc tế mùa thu hứa hẹn sẽ bùng nổ.
“Hiện tại, chúng tôi ghi nhận nhiều hợp đồng tour đoàn riêng cho mùa hè với giá trị cao. Chúng tôi cũng nhận được nhiều yêu cầu về các chương trình trại hè học sinh trong nước và quốc tế, hứa hẹn mùa hè sẽ bùng nổ loại hình trải nghiệm học tập này”, ông Lê Công Năng nói.
Với các điều kiện đi lại thuận tiện, chính sách visa thông thoáng, kinh tế phục hồi, thị trường Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại…, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng, lượng khách quốc tế sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm nay.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu, năm 2024, ngành du lịch đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế (năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách) và 110 triệu khách nội địa. Dự kiến, sang năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, trở về mức trước đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông - Vận tải (Vietravel, mã chứng khoán VTR) đặt mục năm 2024 đạt doanh thu 6.921 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 68 tỷ đồng, tăng 16% về doanh thu nhưng giảm 15% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2023.
Trong năm nay, Vietravel sẽ cấu trúc lại mảng khách lẻ nhằm tạo sự cân bằng với mảng kinh doanh khách du lịch theo đoàn/nhóm; thúc đẩy hoạt động kinh doanh các khu vực miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ (TP.HCM) và Tây Nam Bộ; tập trung phát triển thị trường miền Bắc thông qua phát triển mạng bán tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng; nâng tỷ trọng doanh thu kênh online lên 30 - 35%; nghiên cứu phát triển dịch vụ mới theo hướng xanh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanhTourist, mã chứng khoán BTV) lên kế hoạch năm 2024 tăng trưởng thấp, với mục tiêu doanh thu 1.030 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 31,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 5% so với mức thực hiện năm 2023.
BenThanhTourist cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách, giải pháp của Chính phủ và mức độ phản ứng của thị trường, nên các giải pháp kinh doanh cần sự linh động. Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 sắp tới, doanh nghiệp sẽ đề nghị Đại hội đồng cổ đông chấp thuận giao cho Hội đồng quản trị việc xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong trường hợp môi trường kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xung đột địa chính trị…, đồng thời chấp thuận giao cho Hội đồng quản trị đánh giá lại và xây dựng lại phương án tái cơ cấu các khoản đầu tư ngoài địa bàn TP.HCM để đảm bảo cân đối dòng tiền, đem lại hiệu quả cho Công ty nhằm phát triển các dự án tại TP.HCM.
Kết thúc quý I/2024, BenThanhTourist đạt doanh thu hơn 175 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 26,8% và 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. So với kế hoạch năm 2024, Công ty đã hoàn thành 17% mục tiêu doanh thu và 20,7% mục tiêu lợi nhuận.
Với Công ty cổ phần Du lịch Thành Công (mã chứng khoán VNG), Đại hội đồng cổ đông vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với dự kiến doanh thu đạt 206 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5,4 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 41% và 70% so với mức thực hiện năm 2023.
Tại Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Bằng Giang Cao Bằng (Vimico, mã chứng khoán BCV), kế hoạch kinh doanh năm 2024 là đạt doanh thu hơn 16 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,2 tỷ đồng, cải thiện so với mức doanh thu 12,5 tỷ đồng và lợi nhuận 401 triệu đồng năm 2023.
Mặc dù vậy, Vimico chia sẻ, tình hình hoạt động đang kém khả quan. Trong quý I/2024, lượng khách đến sử dụng dịch vụ phòng nghỉ giảm mạnh. Quý II là mùa mưa, tường, trần nhà một số phòng nghỉ nhiều khả năng sẽ bị thấm dột, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, do trang thiết bị phòng nghỉ ngày càng xuống cấp theo thời gian, đến nay mới chỉ thay thế và sửa chữa nhỏ. Sản phẩm du lịch mới của các doanh nghiệp trong ngành ngày càng đa dạng, phong phú cũng là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Áp lực chi phí tăng, biên lợi nhuận thấp
Tại sao nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành lại chủ động đặt kế hoạch lợi nhuận suy giảm, hoặc tăng không đáng kể? Ông Lê Công Năng cho rằng, với mô hình doanh nghiệp truyền thống, đầu tư đầy đủ và chuyên môn hóa nhiều phòng ban, thì lợi nhuận năm nay suy giảm là có thể xảy ra. Sự trở lại hoạt động của hệ thống điểm bán, sự gia tăng của số lượng nhân sự, sự đầu tư trở lại của tuyến điểm mới, cùng với việc gia tăng hoạt động tiếp thị khiến chi phí của các doanh nghiệp lữ hành gia tăng.
“Ngay tại WonderTour, số nhân sự hiện nay đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023, kéo theo các chi phí đầu tư vận hành khá lớn từ văn phòng, không gian làm việc, thiết bị, phúc lợi…”, ông Lê Công Năng nói.
BenThanhTourist nhận định, hiện nay có những tín hiệu khả quan về sự hồi phục của ngành du lịch cũng như nền kinh tế toàn cầu, nhưng bất ổn địa chính trị trên thế giới là yếu tố đáng quan ngại. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh về giá trong ngành du lịch sẽ khốc liệt hơn, chi phí chiết khấu, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng gia tăng, trong khi biên độ lợi nhuận bị thu hẹp.
Giá máy bay nội địa tăng cao cũng là một yếu tố tác động lớn đến ngành du lịch. Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) dự kiến, lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 là 38,5 triệu người, giảm 10,5% so với năm 2023. Thời gian qua, do kinh tế khó khăn, các hãng hàng không cắt giảm nhiều đường bay nội địa, thu hẹp đội tàu bay, bảo trì động cơ với số lượng lớn, dẫn tới nguy cơ thiếu máy bay trên diện rộng. Giá vé các đường bay nội địa thời gian tới có thể sẽ duy trì ở mức cao, do tải cung ứng giảm và chi phí tăng (nhiên liệu, biến động tỷ giá…).
Nhiều nước trong khu vực tiếp tục thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế và du lịch, làm tăng sự cạnh tranh với Việt Nam ở cả mảng kinh doanh khách outbound (khách trong nước đi du lịch) và inbound (khách quốc tế), đặc biệt chuẩn bị đón sự bùng nổ du khách đến từ Trung Quốc. Khách quốc tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về chính sách visa, vé máy bay. Khách du lịch nội địa tăng trưởng chậm lại do không còn độ nén bởi dịch Covid-19. Sự trở lại của du lịch outbound cũng là một áp lực cạnh tranh cho các điểm đến trong nước, khi người Việt có xu hướng quay trở lại đi du lịch nước ngoài với chi phí hợp lý.
Du lịch Thành Công vốn có hệ sinh thái đa dạng với những khách sạn, khu vui chơi và có thế mạnh ở thị trường Đà Lạt cho biết, trong quý I/2024, công suất buồng phòng của Công ty chỉ đạt 50%.
Vietnam Airlines lãi 1.500 tỷ đồng trong quý I/2024
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) vừa công bố, trong quý I/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 22.000 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.500 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 37 tỷ đồng). Sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm theo quy luật thị trường hàng năm là nhân tố chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.
Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không đạt 65%, gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021. Tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế tiệm cận mức trước đại dịch Covid-19, gần với mức của quý I/2019.
Các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh chung của Vietnam Airlines. Trong đó, Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Tổng công ty ghi nhận khoản mục thu nhập khác tăng đột biến. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8%.
Ngoài ra, Vietnam Airlines nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó thu hút thêm khách hàng, nhất là phân khúc khách mang lại doanh thu cao. Tổng số khách trong quý I/2024 đạt hơn 5,74 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy chuyến bay là 86% với thị trường nội địa, 80% với thị trường quốc tế, đều tăng so với cùng kỳ.