VN-Index không biến động mạnh, cơ hội lớn với ngành du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại giúp một số chỉ báo kỹ thuật không còn báo hiệu thị trường sẽ biến động mạnh.
VN-Index không biến động mạnh, cơ hội lớn với ngành du lịch

VN-Index: Nhịp hồi phục kỹ thuật

Tuần giao dịch từ 9 - 13/10/2023 chứng kiến sự hồi phục của chỉ số VN-Index khi tăng 26,19 điểm (2,32%), lên 1.154,73 điểm.

Mặc dù có diễn biến tăng, nhưng thị trường vẫn cho thấy tâm lý giao dịch thận trọng. Tâm lý này được thể hiện rõ ràng nhất qua khối lượng giao dịch có tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Đây không phải là một tín hiệu quá bất ngờ, do các nhà đầu tư dè dặt giải ngân trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Ít người muốn “bắt dao rơi”, trong khi những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, hoặc hạ tỷ trọng từ trước, tiếp tục nắm giữ qua sóng giảm để chờ hồi phục.

Độ rộng dải Bollinger thu hẹp từ vùng cực đại, nhưng chưa đạt mức tích lũy, cho thấy biến động ngắn hạn sẽ không còn lớn.

DSC đánh giá, VN-Index đang bước vào nhịp hồi phục kỹ thuật, nhưng không dễ vượt qua khu vực kháng cự 1.160 - 1.170 điểm với mặt bằng thanh khoản thấp như tuần qua.

Dự báo, nhịp phục hồi có tính phân hóa cao giữa các nhóm ngành, trong đó nổi bật là nhóm doanh nghiệp kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý III cũng như triển vọng quý IV tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Ngành du lịch: Cơ hội lớn phía trước

Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất với bạn bè quốc tế. Điều đó được thể hiện qua các con số như trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đóng góp 6,6% GDP, cao hơn mức trung bình của thế giới là 5,7%; tỷ trọng du lịch trong kim ngạch xuất khẩu là 12,2%, trong khi thế giới chỉ là 7,7%. Bên cạnh đó, ngành này giải quyết 4,8 triệu việc làm, chiếm gần 6% toàn bộ lao động cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023, Việt Nam đón 1,054 triệu lượt khách quốc tế, tăng 244% so với cùng kỳ và đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp ngành du lịch đón tiếp trên 1 triệu lượt khách. Lũy kế 9 tháng đầu đầu năm, cả nước đón 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2023. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nâng mục tiêu cho toàn ngành du lịch là đón 12,5 - 13 triệu lượt khách trong năm 2023.

DSC dự kiến, tổng lượng khách du lịch Việt Nam sẽ tăng thêm 5 triệu lượt trong quý IV/2023, do tháng 9 - 10 thường là thời điểm lúa chín rộ, những thửa ruộng bậc thang dài tít tắp trong mắt khách du lịch quốc tế là khung cảnh “chỉ có một lần trong đời”. Các địa điểm nổi tiếng như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch trong những tháng cuối năm.

Ngoài yếu tố mùa cao điểm, các chính sách hỗ trợ thị thực, xuất nhập cảnh liên tiếp được Chính phủ thông qua đã hỗ trợ rất lớn xu hướng phục hồi của ngành du lịch. Chẳng hạn, Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử, Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân một số nước, đây là chất xúc tác cần thiết để ngành du lịch Việt Nam quay trở lại như thời kỳ trước dịch Covid-19.

Các cổ phiếu nhóm ngành du lịch, vốn đã giảm giá sâu do tăng trưởng yếu trong những năm vừa qua, đặc biệt năm 2021 khi lượng khách du lịch tới Việt Nam gần như là một con số 0, giờ đang đứng trước tiềm năng tăng trở lại. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet.

Số lượng khách tăng, tỷ lệ lấp đầy tàu bay cải thiện, cùng với việc giá vé các tuyến bay tăng sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để VietJet bùng nổ lợi nhuận dịp cuối năm. Cổ phiếu VJC đã kết thúc tuần giao dịch vừa qua bằng một phiên tăng trần, phản ánh triển vọng tích cực này.

Nhìn chung, dư địa phát triển của ngành du lịch trong 3 tháng còn lại của năm 2023, cùng với sự hồi phục chung của thị trường chứng khoán, sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp du lịch tăng trưởng trở lại.

Bài viết được cung cấp bởi CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục