Tăng trần giá vé máy bay: Doanh nghiệp lữ hành lo tour nội địa gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024.
Trần giá vé máy bay nội địa tăng từ ngày 1/3 có thể tác động đến du lịch nội địa Trần giá vé máy bay nội địa tăng từ ngày 1/3 có thể tác động đến du lịch nội địa

Tăng giá có đồng nghĩa với nâng cao chất lượng dịch vụ?

Từ ngày 1/3/2024, các đường bay nội địa bắt đầu điều chỉnh giá trần, theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, đường bay nội địa hạng phổ thông cơ bản dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé một chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé một chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé một chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280 km trở lên có giá trần 4 triệu đồng/vé một chiều.

Chia sẻ về việc tăng giá trần vé máy bay, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, sau gần 10 năm, đây là lần đầu tiên ngành hàng không điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa. Trong khoảng thời gian này, nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không thay đổi, đặc biệt là giá nhiên liệu cùng các yếu tố về tỷ giá.

“Giá vé máy bay được điều chỉnh cũng đồng nghĩa sẽ tạo thêm điều kiện cho các hãng hàng không có thể bù đắp chi phí trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa để hành khách có thêm nhiều lựa chọn hơn”, ông Lê Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, với mức giá trần mới, Vietnam Airlines sẽ có cơ hội tiếp tục đầu tư chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá mà khách hàng có khả năng chi trả cao, nhưng cũng có được mức giá thấp hơn cho hành khách có khả năng chi trả thấp, trong giai đoạn thấp điểm...

Chặng bay TP.HCM - Hà Nội hiện có giá 4,5 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi giá tour 4 ngày chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người.

Thời gian qua, các hãng hàng không đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn. Đơn cử, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỷ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu, thì giá vé sẽ hạ.

Mặt khác, khi áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng, người dân có cơ hội di chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp, trong khi hãng bay có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng.

Việc điều chỉnh giá vé máy bay sẽ nhận được sự đồng tình của khách hàng, nếu việc tăng giá đồng nghĩa với nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ đi kèm để đáp ứng sự hài lòng của hành khách. Tuy nhiên, trên thực tế, vào các dịp cao điểm, hành khách vẫn phải chịu cảnh hoãn, hủy chuyến bay.

Dễ dàng nhận thấy, việc tăng giá trần vé máy bay nội địa sẽ khiến nhóm người dân có thu nhập thấp đắn đo khi lựa chọn các phương tiện di chuyển trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chị Hoàng Thu Trang (quê ở Lâm Đồng, đang sống tại Hà Nội) cho biết, trước kia, giá vé từ Hà Nội đi Đà Lạt chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/vé, nhưng nay đã tăng lên 2,5 - 3,5 triệu đồng/vé.

Gia đình chị Trang có 4 người, nếu chọn di chuyển bằng đường hàng không để về quê, thì sẽ phải chi một khoản không nhỏ. “Dịp hè tới, có lẽ gia đình tôi sẽ mua vé xe khách”, chị Trang nói.

Lo ngại giá tour nội địa tăng

Không ít doanh nghiệp lữ hành đang lo lắng việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tạo ra thách thức lớn với ngành du lịch trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho hay, dù chưa vào cao điểm du lịch hè, nhưng giá vé máy bay đã tăng cao, nhiều khách có kế hoạch đặt tour sớm đang ưu tiên chọn địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận khách có xu hướng chuyển sang chọn tour nước ngoài, vì giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang... trong tháng 3/2024 đang có giá rất cao. Nghịch lý là, chặng bay TP.HCM - Hà Nội hiện có giá 4,5 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi giá tour 4 ngày chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người.

“Nếu tổng chi phí tour gồm cả vé máy bay khoảng 7 - 10 triệu đồng/người, thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn. Chính vì vậy, các công ty du lịch không dám ‘ôm’ nhiều vé máy bay như trước, vì sợ giá biến động”, ông Huy chia sẻ.

Từ góc độ người làm du lịch, bà Hương Tình, Giám đốc Công ty March Travel cho rằng, ngành hàng không cần liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay giải quyết bài toán đảm bảo chi phí dịch vụ hợp lý, an toàn, hiệu quả.

“Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, ngành hàng không nên khuyến khích doanh nghiệp lữ hành mở các chuyến bay thuê chuyến với chính sách ưu đãi nhằm đa dạng sản phẩm và tăng thêm lựa chọn mới lạ cho du khách. Như vậy, các bên cùng có lợi”, Giám đốc Công ty March Travel bày tỏ.

Trước một số ý kiến lo ngại các hãng bay tăng giá vé trái quy định, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện đúng các quy định, triển khai bán vé trong phạm vi khung giá và chính sách giá vận chuyển nội địa của hãng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho hành khách đi lại bằng đường hàng không, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục