Dự án trọng điểm tại miền Trung: Nguy cơ trượt tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng hoặc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều dự án tại miền Trung, gồm cả dự án trọng điểm bị đình trệ, có nguy cơ “trượt” tiến độ.
Dự án trọng điểm tại miền Trung: Nguy cơ trượt tiến độ

Thiếu vật liệu san lấp

Ông Trần Quốc Vương, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 72 nói như than: “Chúng tôi đã làm mọi cách, kể cả mua đất ngoài thị trường với giá cao hơn nhiều lần so với giá quy định của Nhà nước, nhưng vẫn không đủ khối lượng để san lấp mặt bằng, đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ đã đề ra”. 

Dự án mà ông Vương đề cập là Khu dân cư Phố chợ Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa, Phú Yên). Tại Phú Yên, không chỉ có dự án này, mà nhiều dự án như Dự án Đường dẫn từ cầu Bến Lớn đến bãi rác và Cụm công nghiệp Nam Bình 1 (thị xã Đông Hòa); Dự án Đường Nguyễn Văn Huyên giai đoạn II và đường N2, N3 đoạn từ Độc Lập - Lê Duẩn (TP. Tuy Hòa)… cũng thiếu vật liệu san lấp.

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 đất để san lấp mặt bằng, nhưng hiện nay, việc tận thu đất tầng phủ dôi dư từ các mỏ khai thác đá chỉ đáp ứng được khoảng 500.000 m3.

Tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp mặt bằng cũng xảy ra tại Quảng Ngãi với Dự án Cầu Sông Rin (vốn đầu tư 245 tỷ đồng). Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành vào cuối năm 2021, nhưng đang bị chậm tiến độ do các nhà thầu không tìm được nguồn đất để san lấp đường dẫn, với tổng khối lượng đất đắp hơn 85.000 m3.

Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, tuyến giao thông liên vùng, công trình công cộng... cũng rơi vào khan hiếm vật liệu, trong đó có Dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Dự án Mở rộng nhà ga T2 - sân bay quốc tế Phú Bài. Đây là những dự án quan trọng của quốc gia và của khu vực.

Thiếu mặt bằng thi công

Dự án Công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm nằm trên địa bàn xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa, Phú Yên) do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 1/2019, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, giữa tháng 6/2020, một số hộ dân tại địa phương đã tập trung trồng chuối và lập lán trại ngay trên khu đất đã bàn giao, buộc đơn vị thi công phải tạm dừng hoạt động.

Qua tìm hiểu, hợp phần đền bù giải tỏa, tái định cư Dự án Công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm do UBND huyện Tây Hòa thực hiện, với 461 hộ dân và 3 tổ chức bị thu hồi đất. Ðến cuối tháng 5/2020, huyện đã thu hồi, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 325,48 ha trong số 477,36 ha (68,18%).

Riêng công tác đền bù, huyện mới giải ngân được hơn 30 tỷ đồng trong số 80 tỷ đồng kế hoạch (đạt hơn 30%). Nguyên nhân là do khi triển khai thi công Dự án, địa phương gặp một số vướng mắc liên quan các loại đất cần sự điều chỉnh của tỉnh và Chính phủ, nên chưa đủ căn cứ xác định, áp giá đền bù cho người dân ở một số diện tích đất.

Để giải quyết vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án, ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: “Kế hoạch đấu giá quyền khai thác các mỏ đất và đá đã có; UBND tỉnh đã giao các địa phương có mỏ khoáng sản gấp rút lập phương án bồi thường cây cối, hoa màu, giá trị đất nếu có. Sau khi các địa phương báo cáo phương án bồi thường, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có cơ sở để tham mưu UBND tỉnh triển khai các bước tiếp theo”.     

“Những vướng mắc này khiến chủ đầu tư thực sự lo lắng khi Dự án đang được gấp rút hoàn thành các hạng mục chính tràn xả lũ, cống lấy nước và đập đất. Riêng hạng mục chính là đập đất, do người dân cản trở, nên chỉ thực hiện 30% khối lượng công việc, mới đắp đến cao trình 16 m, trong khi mục tiêu đến cuối tháng 9/2020 phải đạt đến cao trình 25 m mới bảo đảm để chặn dòng. Hiện nay, công trình phải tạm dừng, tiến độ chậm hơn so với dự kiến gần 1 tháng. Nếu công trình tiếp tục bị ngăn cản thi công, sẽ mất thời điểm vàng để hoàn thành đắp đập, đồng thời không bảo đảm tiến độ đề ra”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 nói.

Cũng liên quan đến giải phóng mặt bằng, ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dù đã đưa vào vận hành 4 năm nay, nhưng tại nút giao Túy Loan, việc giải phóng mặt bằng để hoàn thiện cả tuyến vẫn dở dang. Nhiều hộ dân đã nhận tiền giải phóng mặt bằng, nhưng chưa di dời và chưa đồng ý cho thi công, thậm chí, nhiều hộ xin trả lại tiền đền bù để yêu cầu bồi thường hợp lý hơn…

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) cho biết, huyện nhiều lần họp dân, giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan, áp dụng tối đa các chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân. Mặc dù vậy, công tác giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ do phát sinh thêm kiến nghị của hộ dân về phương án di dời và ở lại; đặc biệt, nguồn tiền bổ sung (khoảng 30 tỷ đồng) cho công tác giải phóng mặt bằng từ phía Dự án đến nay vẫn chưa được cấp đủ…

Còn tại công trình cầu Cửa Đại (Quảng Ngãi), theo kế hoạch, đến cuối tháng 9/2020, Dự án sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục liên quan để gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Song đến nay, còn 15 nhà dân chưa chịu nhận tiền đền bù, khiến Dự án có nguy cơ “vỡ” tiến độ. Theo chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, mặt bằng Dự án bị vướng bởi các hộ dân hai bên đầu cầu nơi triển khai thi công vòng xuyến, đường dẫn lên cầu và các công trình, hạng mục liên quan.

“Kế hoạch là ngày 30/7/2020 sẽ thông xe kỹ thuật, nhưng do vướng mặt bằng, nên đã chậm nửa tháng và với tình hình hiện nay, có thể còn tiếp tục kéo dài”, đại diện nhà thầu thi công công trình cầu Cửa Đại cho biết.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục