"Đất vàng" bất động
Một trong những dự án đáng chú ý nhất phải kể đến là dự án Dự án Thành phố công nghệ Xanh Hà Nội thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm với quy mô diện tích lên tới 141 ha, trong đó diện tích đất thực hiện dự án khoảng 115 ha. Bắt đầu nghiên cứu quy hoạch từ 10 năm trước, tới năm 2014, dự án đã chính thức được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011043002736.
Ngày 24/12/2014, Công ty TNHH Thành phố công nghệ Xanh Hà Nội (công ty đại diện pháp luật với chủ sở hữu Blenheim Vietnam) được thành lập với vai trò chủ sở hữu của dự án. Tới ngày 23/11/2015, TP. Hà Nội chấp thuận Quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án sau khi đã được quy hoạch lại theo Quyết định số 6321/QĐ- UBND. Trong đó, tại quy hoạch mới, dự án có diện tích khoảng 57,5 ha, với quy mô dân số khoảng 4.000 người.
Những tưởng sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, dự án sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành triển khai. Tuy nhiên, dự án sau đó vẫn bất động vì lý do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Tính tới nay sau gần 6 năm, dự án vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" khi vẫn là những mẫu ruộng cùng bãi cỏ xanh, còn bên ngoài là đất nhà xưởng bị nhiều hộ dân lấn chiếm sử dụng làm kho chứa vật liệu xây dựng.
Tương tự, một dự án sở hữu "đất vàng" khác cũng ì ạch tiến độ triển khai thậm chí tới 17 năm là Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, nhận quyết định phê duyệt từ 1/4/2002 và giao cho Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 390,3 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 1.073,4 tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi triển khai xong, trên dải đất này sẽ xuất hiện 7 tòa nhà chung cư cao từ từ 11 đến 24 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 29.000 m2 cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các dịch vụ dân sinh, quỹ nhà phục vụ di dân...
Tuy nhiên, sau 17 năm, đến nay dự án này vẫn là một trong những điểm “nóng” về chậm trễ tiến độ, gây bức xúc đối với người dân. Ngoài việc, dự án thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra do người dân tố cáo, thì chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô công trình cũng như việc chỉ đạo, rà soát các công trình nhà ở cao tầng thuộc khu vực nội thành cũng là nguyên nhân gây bê trễ kéo dài. Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan khác cũng được lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ ra mới đây là nhà đầu tư thiếu tập trung triển khai, thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng.
Khu đất vàng bị thu hồi của Thùy Dương
Tương tự, Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty Xây dựng Licogi rộng 35 ha tại quận Hoàng Mai cũng là điểm nóng gây bức xúc vì chậm tiến độ. Được biết, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 4930 năm 2004 của UBND TP. Hà Nội, thu hồi 351.618 m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án.
Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng cùng năng lực tài chính có vấn đề của chủ đầu tư đã khiến cho dự án liên tục lỡ hẹn triển khai. Trong giai đoạn đầu, công tác giải phóng mặt bằng dự án rất cầm chừng và phải tới năm 2015, tốc độ mới bắt đầu có tiến triển. Dù vậy, tới nay, việc giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn khi nhiều người dân không chấp nhận phương án đền bù.
Ba kiểu "xí phần"
Tháng 8/2019, trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp thủ đô khiến bộ mặt Thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất…
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai năm 2003 quy định, sau 24 tháng chậm tiến độ, chủ đầu tư được phép kéo dài thêm 24 tháng nữa, tức là được phép kéo dài 4 năm, nếu vẫn chậm tiến độ sẽ thu hồi đất và trả lại phần giá trị đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên, trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, nguyên nhân là vì địa phương muốn thu hồi thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế, hoặc ngân sách eo hẹp trong việc đền bù.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân được diễn giải rất nhiều, tựu trung lại thành ba nhóm chủ đầu tư “xí phần” đất vàng.
Nhóm một, ra sức đeo bám lý thuyết "còn nước còn tát", liên tục đề xuất, kiến nghị xin gia hạn kéo dài thời gian chuẩn bị. Nhóm hai, cố tình chống đối, không hợp tác với chính quyền để bàn giao dự án theo quyết định thu hồi. Không ít trường hợp thuê người cố thủ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Nhóm ba, phổ biển hơn, tìm cách lánh mặt, chủ đầu tư tắt hoặc thay đổi số điện thoại, có tìm gặp cũng tránh không tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, trước tình trạng trên, thời gian qua, cơ quan này đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, tổ chức rà soát, hậu kiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và có phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có phương án, thời gian khắc phục khả thi.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, công tác trên gặp không ít khó khăn do nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, như: Không có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo các nội dung đề cương của đoàn thanh tra yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra. Ngoài ra, đối tượng thanh tra không cử người đại diện theo quy định của pháp luật, cử người đại diện không ủy quyền làm việc với đoàn thanh tra, ký biên bản làm việc, biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính…, dẫn tới kết luận thanh tra, kiểm tra thiếu cơ sở pháp lý.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án “ôm” đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Đồng thời, Thành phố cần ban hành chế tài xử phạt nặng đối với các chủ đầu tư chây ỳ, nhằm tăng cường quản lý đất đai và loại bỏ nhà đầu tư yếu kém.
Chẳng hạn như trường hợp UBND TP. Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép tiếp tục triển khai dự án. Lô đất này đang bị sử dụng sai mục đích như làm sân bóng đá, gara…; một phần bị bỏ hoang, ngập trong rác.
“Việc kiên quyết thu hồi một số dự án bê trễ vừa qua mang tính chất răn đe cao và tạo tiền đề cho việc giải quyết các dự án treo còn lại tại Hà Nội”, ông Hà nhận định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com