Là địa phương có tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, Hải Dương không chỉ thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án mà tiếp tục khẳng định vị thế là mắt xích chiến lược trong mạng lưới giao thông, kết nối liên vùng.
Hiện, Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo và kế hoạch triển khai thực hiện, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng.
Đến ngày 21/5, Hải Dương đã xác định khối lượng giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 188 ha, với 3.296 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó có 407 hộ cần bố trí tái định cư. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 3.893 tỷ đồng.
Tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai 8 dự án tái định cư, với tổng diện tích 28,86 ha, ước kinh phí đầu tư khoảng 465 tỷ đồng. Các khu tái định cư được quy hoạch ở vị trí thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Dự kiến khởi công tháng 9/2025, hoàn thành trong tháng 11/2025.
Công tác đo đạc địa chính và lập hồ sơ thu hồi đất tại 19 xã, thị trấn đã cơ bản hoàn tất. Hiện các địa phương đang khẩn trương xác định nguồn gốc đất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2025.
Ngay sau khi Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, sẽ hoàn thiện hồ sơ, thông báo thu hồi đất, ký kết kiểm đếm khối lượng, lập và trình phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Hải Dương hiện cũng đã hoàn thành rà soát các công trình hạ tầng giao thông, nông nghiệp, cấp điện bị ảnh hưởng, gồm 76 công trình điện; 124 công trình nông nghiệp và phát triển nông, 44 vị trí giao cắt với cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện…
Đồng thời xác định 19 khu vực đất, đá đồi làm vật liệu san lấp trữ lượng khoảng khoảng 62 triệu m3; 3 khu vực đất, cát bãi bồi làm vật liệu san lấp có trữ lượng 1,2 triệu m3; 14 triệu m3 đá vôi; 1 triệu tấn tro xỉ phục vụ san lấp, chủ động nguồn vật liệu, sẵn sàng phục vụ thi công dự án.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; điểm đầu tại vị trí nối ray biên giới Việt - Trung, kết thúc tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua 9 tỉnh/thành phố; giai đoạn I đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi với tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD. Tốc độ tàu thiết kế tối đa 160 km/giờ, vận chuyển cả hành khách và hàng hóa.
Đoạn qua tỉnh Hải Dương có chiều dài 40,96 km, đi qua 5 huyện: Cẩm Giàng khoảng 3,05 km, Bình Giang khoảng 8,6 km, Gia Lộc khoảng 10,5 km, Tứ Kỳ khoảng 10,95 km và Thanh Hà khoảng 7,86 km.
Dự án sẽ xây dựng 3 ga đường sắt tại Hải Dương. Cụ thể, Ga Bình Giang đặt nằm ngoài khu công nghiệp Phúc Điền quy hoạch mở rộng và vị trí trung tâm của khu Logistics Hùng Thắng quy hoạch của tỉnh Hải Dương tại xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Quy mô, chức năng ga là ga hỗn hợp có tác nghiệp khách khách và hàng hóa. Theo tính toán sơ bộ, nhà ga được thiết kế khoảng 6 đường, quy mô nhà ga khoảng 10,5 ha.
Ga Hải Dương Nam nằm phía Bắc đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại xã Lê Lợi; Gia Hòa và thị trấn Gia Lộc huyện Gia Lộc (nằm gần Quốc lộ 38B). Quy mô, chức năng ga là ga hỗn hợp có tác nghiệp khách khách và hàng hóa. Theo tính toán sơ bộ, nhà ga được thiết kế khoảng 5 đường, quy mô nhà ga khoảng 11,5 ha.
Ga Tứ Kỳ nằm phía Nam đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Quy mô, chức năng ga là ga kỹ thuật trên tuyến, có tác nghiệp nhường tránh kỹ thuật phục vụ chạy tàu. Theo tính toán sơ bộ, nhà ga được thiết kế khoảng 3 đường, quy mô nhà ga khoảng 5,3 ha.
Việc bố trí các nhà ga tại những vị trí trung tâm giúp kết nối tốt với các khu công nghiệp, cụm dân cư và mạng lưới giao thông hiện có.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc, chạy theo hành lang đông - tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất cả nước.