
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) thuộc địa phận TP. Lào Cai, điểm cuối tại bến Lạch Huyện thuộc địa phận TP Hải Phòng. Tuyến đường sắt đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với tổng chiều dài đầu tư khoảng hơn 403 km gồm tuyến chính dài hơn 388 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km (không bao gồm tuyến nhánh đi Nam Đồ Sơn dài 12 km). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8 tỷ USD.
Theo UBND TP. Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn đi qua địa bàn Hải Phòng có chiều dài tuyến chính là 46,18 km và 2 tuyến nhánh dài 20,57 km (từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn và từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ - ga Đình Vũ).
Tổng diện tích sử dụng đất cả 2 giai đoạn khoảng 376 ha với chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.860 tỷ đồng; kinh phí đầu tư xây dựng đoạn tuyến chính là 20.480 tỷ đồng; 2 đoạn nhánh là 6.450 tỷ đồng. Căn cứ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 -2030 và dự kiến thu chi ngân sách giai đoạn 2026 - 2030, tổng nguồn vốn đầu tư còn lại thành phố có thể xem xét, thực hiện các dự án đầu tư công mới trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 100.893 tỷ đồng.
Dự án được đánh giá là cơ hội vàng để Hải Phòng phát triển bứt phá, từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị đề ra. Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.
Bên cạnh hệ thống các cảng đường thủy nội địa và đường hàng không, phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây “Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” còn góp phần thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - châu Âu. Tuyến đường sẽ san tải với đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và tăng lưu lượng vận tải hàng hóa đến khu vực cảng biển Hải Phòng với giá thành vận tải, chi phí logistics tiết kiệm nhất.
Đồng thời, còn góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Để đồng bộ với các nội dung quy hoạch trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ đầu tư xây dựng khu bến cảng Nam Đồ Sơn và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, việc thành phố đóng góp kinh phí vào nguồn vốn dự án do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện để thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng – Nam Đồ Sơn trước năm 2030 là cần thiết.
![]() |
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và lãnh đạo Thành phố Hải Phòng trong chuyến đi khảo sát thực tế dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại vị trí Ga đường sắt Cảng Lạch Huyện tháng 2/2025 |
Theo đó, với vai trò quan trọng cùng tiềm năng vượt trội của dự án, tại kỳ họp thứ 23 của HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, HĐND Thành phố đã quyết định đóng góp 10.960 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn đi qua địa bàn TP. Hải Phòng). Trong đó, có khoảng 5.860 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn Thành phố, bao gồm tuyến chính và các tuyến nhánh (nhánh Nam Đình Vũ - Đình Vũ; nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn) và 5.100 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng tuyến nhánh đường sắt từ ga Nam Hải Phòng đi ga Nam Đồ Sơn, chiều dài khoảng 12 km và ga Nam Đồ Sơn.
Ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng khẳng định: Nghị quyết này là chủ trương quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thành phố trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của thành phố với trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đây là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, Khu kinh tế ven biển phía Nam và cảng nước sâu Nam Đồ Sơn.
Triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đem lại cho thành phố nhiều cơ hội, lợi thế phát triển. Việc Thành phố đóng góp gần 10.960 tỷ đồng vào dự án được Trung ương đánh giá rất cao.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị công bố các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nhấn mạnh: Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ mang tới cho Thành phố cơ hội vàng để bứt phá.
Bí thư Thành ủy chỉ ra rằng Thành phố phải chủ động nghiên cứu, quy hoạch bài bản và thu hút đầu tư mạng lưới cảng biển, giao thông, đô thị, công nghiệp và logictics để tận dụng lợi thế đặc biệt. Kể cả khi chưa hoàn thành, dự án vẫn sẽ là cú hích mạnh mẽ, tạo động lực mới để thành phố thu hút đầu tư được các dự án đủ lớn, tầm cỡ chiến lược. Tiếp tục phát huy các lợi thế, cơ hội, Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện và các dự án logistics, công nghiệp sau cảng; khởi động cảng Nam Đồ Sơn; khởi công xây dựng các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Rõ ràng, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang được triển khai rất nhanh và với những động thái tích cực của Hải Phòng. Dự án chắc chắn sẽ mang lại những dư địa phát triển mới cho Thành phố, góp phần đưa Hải Phòng cất cánh vào kỷ nguyên mới cùng cả nước.