Cơ quan nào xác minh thời điểm
Liên quan đến việc Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá tác động của phương án do EVN đề xuất đối với các dự án điện mặt trời, điện gió có khó khăn, vướng mắc theo Nghị quyết số 233/NQ- CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ, EVN đã cho biết, doanh nghiệp không đủ thông tin để đánh giá tác động tổng thể đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư trong nước và quốc tế do đây là vấn đề vĩ mô, cần có sự hỗ trợ đánh giá từ các cấp quản lý nhà nước cao hơn.
Đồng thời EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với các Bộ liên quan, đánh giá tổng thể về tác động về kinh tế - xã hội, rủi ro khiếu kiện trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đối với phương án do EVN đề xuất, từ đó quyết định phương án tối ưu để chỉ đạo và hướng dẫn EVN triển khai thực hiện.
Đây là 1 trong 2 kiến nghị của EVN trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây.
Ở kiến nghị thứ hai liên quan đến việc có 39 nhà máy/phần nhà máy (trên tổng số 159 nhà máy/phần nhà máy có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày vận hành thương mại - COD) thông báo đến Công ty Mua bán điện (EPTC) rằng họ đã gửi văn bản/báo cáo đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trước ngày COD (trong đó có 21 nhà máy/phần nhà máy gửi văn bản chính thức đến EPTC kèm tài liệu qua đường văn thư và 18 nhà máy/phần nhà máy gửi tài liệu đến EPTC qua email, zalo...).
![]() |
Nhiều nhà đầu tư cho biết đã gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trước ngày COD nhưng cuối cùng việc ban hành Biên bản kiểm tra lại sau ngày COD và không trong thời gian quy định hưởng gía FIT tương ứng. |
Tuy nhiên vì các lý do khách quan như đại dịch Covid... Bộ Công Thương/Sở Công Thương không thể đi kiểm tra, dẫn đến văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu được ban hành sau ngày COD.
EVN cũng cho hay, Tập đoàn không có điều kiện để xác minh tính chính xác của các thông tin trên do không phải là đơn vị thụ lý các văn bản của chủ đầu tư tại thời điểm đề xuất/báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu.
Vì vậy, EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành về xây dựng lĩnh vực công nghiệp điện (Cục Điện lực/Sở Công Thương) rà soát, xác minh và hướng dẫn EVN việc xử lý đối với các nhà máy/phần nhà máy này.
Nhà đầu tư sợ không được đối xử công bằng
EVN cũng cho hay, theo ý kiến của các chủ đầu tư, tại thời điểm các dự án được công nhận COD, các quy định hiện hành không yêu cầu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu (KQNT) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để được COD.
Bởi vậy, các chủ đầu tư cho rằng, việc chưa có văn bản chấp thuận KQNT là vi phạm pháp luật về xây dựng và họ đã khắc phục và chịu phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời hiện chưa có bất kỳ quy định hoặc kết luận của Cơ quan quản lý Nhà nước về việc không có văn chấp thuận KQNT tại thời điểm COD là không được hưởng giá FIT theo quy định và phải điều chỉnh giá điện.
![]() |
Nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo đề nghị công khai thông tin các dự án điện truyền thống thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu trước ngày COD vì lo đối xử không công bằng. |
Vẫn theo các chủ đầu tư, Nghị quyết số 233/NQ-CP và Báo cáo số 321/BC- BCT ngày 12/12/2024 của Bộ Công Thương không phải là văn bản pháp quy và không thể lấy làm căn cứ để thực hiện.
Các lập luận liên quan đến cơ sở pháp lý này đã được các nhà đầu tư ký biên bản họp với EPTC và nêu ra trong nhiều văn bản kiến nghi gửi tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương như thư của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thư của 28 nhà đầu tư trong và ngoài nước, thư của Đại sứ quán Hàn Quốc, thư của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), Tập đoàn Sembcorp (Singapo), Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan (ThaiCham) …
Cũng để thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng, các chủ đầu tư cũng đã yêu cầu minh bạch hóa thông tin đối với các dự án nguồn điện, lưới điện do EVN là chủ đầu tư và các loại hình nhà máy điện khác về ngày chủ đầu tư các công trình này nhận được văn bản chấp thuận KQNT và ngày được công nhận vận hành chính thức/vận hành thương mại.
Lý do là bởi các chủ đầu tư có đủ thông tin và khẳng định rằng, nhiều dự án nguồn điện truyền thống không thực hiện đủ việc kiểm tra công tác nghiệm thu trước ngày COD, nên đã bày tỏ quan ngại về việc bị đối xử không công bằng và khắt khe so với các dự án điện nguồn truyền thống khác.
Tạm thanh toán trong thời gian dài làm khó chủ đầu tư
Theo các nhà đầu tư, chi phí đầu tư và các chi phí liên quan tại thời điểm đầu tư để hưởng giá FIT rất cao, đặc biệt là chi phí thiết bị, chi phí nhân công, đền bù giải phóng mặt bằng... Các chủ đầu tư đều sử dụng vốn vay ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong nước và nước ngoài.
Vì vậy, việc tạm thanh toán, giảm doanh thu theo EVN báo cáo tại văn bản 2360 sẽ ảnh hưởng lớn tới tài chính dự án, dẫn đến vi phạm cam kết thanh toán nợ với ngân hàng, vi phạm cam kết với với cổ đông và các nhà thầu. Như vậy, nguy cơ ngân hàng thu hồi vốn là không thể tránh khỏi, chủ đầu tư mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và rơi vào phá sản.
Với các chủ đầu tư là các công ty cổ phần, niêm yết trên sàn chứng khoán, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị vốn hóa thị trường và uy tín của doanh nghiệp.
Về tổng thể, nếu sự việc này tiếp tục hoặc xấu đi có thể đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính trong nước và làm suy giảm niềm tin vào khung pháp lý của Việt Nam.
Cũng có thực tế là khi EVN thực hiện tạm thanh toán, chủ đầu tư vẫn phát hành hoá đơn nhưng không nhận đủ doanh thu và vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước đầy đủ. Như vậy, phần doanh thu còn lại sẽ không đủ chi phí để vận hành, bảo trì nhà máy, dẫn đến nguy cơ nhà máy ngừng vận hành.
Theo tính toán, với giá điện đang được thanh toán tại Hợp đồng mua bán điện (PPA) như hiện tại, chủ đầu tư cần khoảng 10 năm để hoàn vốn. Còn với đề xuất tạm thanh toán như EVN đưa ra thì thời gian hoàn vốn dự kiến là 20 năm.
Đó là chưa kể, trong các năm vận hành từ 2019-2023, thực tế các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời bị cắt giảm công suất phát rất lớn, dẫn đến doanh thu không đủ bù chi phí trong những năm đầu vận hành.
Các thực tế này cũng cho thấy, việc tháo gỡ dứt điểm các khó khăn tại các dự án năng lượng tái tạo không có biên bản kiểm tra nghiệm thu của cơ quan quản lý Nhà nước tại thời điểm được hưởng giá FIT tương ứng đang chưa có lối thoát cụ thể.