Dự án đầu tư ách tắc do các quy hoạch mâu thuẫn nhau, giải quyết thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được thảo luận tại diễn đàn Quốc hội là hướng tới giải quyết "nút thắt" chồng chéo quy hoạch do lịch sử để lại khiến cho nhiều dự án đầu tư hiện đang bị ách tắc.
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sáng 25/10 (Ảnh: quochoi.vn) Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sáng 25/10 (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đây là dự thảo luật đã được trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2024. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Cần bổ sung nguyên tắc xử lý khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch

Một trong những nội dung được đóng góp ý kiến nhiều nhất là vấn đề xử lý, điều chỉnh quy hoạch khi có sự mâu thuẫn với quy hoạch khác. Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) nêu, theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ và cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện.

Trường hợp cùng cấp độ nhưng khác thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. Khi có sự mâu thuẫn giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn thì các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch.

Theo đại biểu, quy định như trên làm phát sinh tình trạng khi một dự án gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.

Hơn nữa, Điều 8 mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của luật này. Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác, như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, sử dụng đất... thì chưa được xử lý.

"Dự thảo Luật cần quy định rõ, nếu phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì trình tự ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền như thế nào, thời gian bao lâu, quy hoạch nào được giữ lại và quy hoạch nào phải điều chỉnh" ông Tân nói và đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch, để khi xảy ra thì áp dụng được ngay, tránh lãng phí thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc dự thảo Luật quy định khi phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, sẽ làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch, đó là quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng)

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng)

"Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị, nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh cho phù hợp", bà Lê An nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, Điều 47 dự thảo Luật đang quy định phân cấp cho cấp thẩm quyền thấp hơn được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền cao hơn phê duyệt, đó là cấp tỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp tỉnh phê duyệt theo trình tự được cấp cao hơn quy định.

Theo đại biểu, nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ trong quản lý hành chính nhà nước, đó là cơ quan nhà nước cấp dưới phải tuân thủ văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. "Việc cho phép cấp dưới điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp trên phê duyệt sẽ dẫn tới việc khó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch của cấp trên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc trên", bà An đề xuất.

Cần giải quyết hài hòa các loại quy hoạch, tạo không gian phát triển cho địa phương

Nêu câu chuyện cụ thể về quy hoạch chồng chéo làm kìm hãm sự phát triển của địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông) cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang triển khai một số quy hoạch đô thị, nông thôn định hướng cho phát triển.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông)

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông)

Tuy nhiên, quá trình lập quy hoạch đang có nhiều vướng mắc đối với các quy hoạch khác làm ảnh hưởng đến không gian dư địa phát triển của địa phương.

Cụ thể, đại biểu nêu, theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì quy hoạch bôxít với tổng diện tích khép góc là 179.597 hecta, chiếm 27% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh.

"Cá biệt có xã thuộc thành phố, thuộc tỉnh được quy hoạch boxit chiếm 97% diện tích đất tự nhiên và địa phương không còn đất để quy hoạch các hoạt động xã hội khác cho hơn 5.000 nhân khẩu", đại biểu Dương Khắc Mai phản ánh.

Những bất cập, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng, tác động đến việc xác định tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở nhằm tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân trong quy hoạch đô thị và nông thôn.

Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tạo không gian phát triển tốt cho địa phương.

Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, các tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch boxit hiện nay như dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển.

"Vừa qua Ủy ban Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất nỗ lực trong tìm cách khắc phục những khó khăn, đặc biệt tháo gỡ cho địa phương nhưng tình trạng này quá nan giải. Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc là những hạn chế cần phải được khẩn trương khắc phục, không để cản trở sự phát triển, gây lãng phí nguồn lực xã hội", ông Mai nói.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, quy hoạch hạ tầng đã thông qua, hệ thống giao thông, đường sắt, đường bộ, đường thủy đã thông qua, quy hoạch về định mức đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên vướng Quy hoạch 866 (quy hoạch vùng tỉnh được Thủ tướng phê duyệt).

"Quy hoạch 866 là quy hoạch về vùng mỏ khai thác đã chồng lấn lên tất cả các chương trình cấp tỉnh, cấp huyện về đường cao tốc, chuyển đổi đất, bố trí tái định cư, thu hồi đất hoặc đầu tư công trung hạn khiến cho các chương trình này đều ngừng lại", ông Tạo phản ánh và nhấn mạnh, điều này đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt ở Lâm Đồng và ở Đắk Nông, vì liên quan tới lượng khai thác alumin trong chương trình khai thác mỏ.

Do đó, đại biểu tha thiết đề nghị việc này phải tuân thủ theo Luật Quy hoạch của năm 2017 và điều chỉnh ngay sự chồng lấn bởi vì một năm nay chúng ta chưa tháo gỡ được việc này, nó làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng tỉnh và từng khu vực.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục