Sáng 25/10, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trước đó, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6/2024.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết:
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch, dự thảo đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Liên quan đến nội dung này, ngày 24/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó tích hợp thêm phần quy hoạch đô thị và nông thôn như đề xuất của đại biểu.
Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giảm lược tối đa các quy hoạch phải lập.
Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7); quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung.
Trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.
Về cơ chế giải quyết vướng mắc này, căn cứ ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể như sau: Trường hợp có mâu thuẫn giữa các hoạch đô thị nông thôn cùng cấp độ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh.
Trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị nông thôn khác cấp độ thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III của Luật này.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị nông thôn.
Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Quy hoạch đô thị nông thôn tại Kỳ họp thứ 8. |
Về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20)
Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ và đề xuất của các thành phố trực thuộc Trung ương (TPTW), trong bối cảnh các quy hoạch vừa mới được phê duyệt hoặc đang trong quá trình hoàn thiện trình phê duyệt, cần có thời gian kiểm nghiệm, tổ chức thực hiện trên thực tế, do đó, dự thảo Luật tiếp tục giữ quy định đối với TPTW vẫn lập 02 loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung TPTW; trong đó, quy hoạch chung TPTW là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.
Thời gian tới, đề nghị các Bộ, ngành và các TPTW tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm hiệu quả; nâng cao chất lượng rà soát, kịp thời điều chỉnh các quy hoạch trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Về thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị (Điều 23), dự thảo Luật đã được chỉnh sửa như sau: Không quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với bước nhiệm vụ quy hoạch (chỉ lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan); Thời gian lấy ý kiến các cơ quan được điều chỉnh giảm từ 10 ngày xuống 07 ngày (khoản 4 Điều 35); thời gian thẩm định nhiệm vụ quy hoạch được điều chỉnh giảm từ 25 ngày xuống 15 ngày (khoản 4 Điều 39); thời gian thẩm định quy hoạch phân khu đô thị được điều chỉnh giảm từ 60 ngày xuống 30 ngày (khoản 4 Điều 39).
Bổ sung quy định trong nội dung quy hoạch chung phải xác định các khu vực dự kiến lập các quy hoạch phân khu (Điều 20 và Điều 21).
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về thời gian tối đa hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sau khi quy hoạch chung đô thị được phê duyệt từ 12 tháng xuống còn 06 tháng (khoản 1 Điều 23).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo nội dung này trong quá trình tổ chức thi hành Luật sau khi được ban hành, tiếp tục rà soát yêu cầu nội dung để rút ngắn thời gian tại tất cả các bước trong trình tự lập và phê duyệt.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật tiếp tục phân cấp thẩm quyền phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND cấp tỉnh đối với các quy hoạch có tính chất cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và quy hoạch hoạch chung thành phố trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Về việc báo cáo Hội đồng nhân dân trước khi phê duyệt quy hoạch (Điều 40), dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa từ quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã thì UBND các cấp tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm “báo cáo” Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp hoặc HĐND cấp trên trong trường hợp không tổ chức HĐND cùng cấp, thay vì báo cáo để “thông qua” trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tương tự, đối với quy hoạch chung do Bộ Xây dựng tổ chức lập, UBND cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm “báo cáo” Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thay vì báo cáo để “thông qua” trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.