Cuối tuần trước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức buổi Toạ đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự thảo Luật sửa 4 luật về đầu tư).
Đây là dự án Luật dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 21/10 tới.
Dành toàn bộ bài phát biểu để nói về nội dung điều chỉnh, bổ sung Luật Quy hoạch trong Dự thảo Luật, TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội đã nêu một số ý kiến đóng góp đáng chú ý.
Đề nghị xem xét thời điểm và tích hợp thêm những luật mới liên quan
Bày tỏ đồng thuận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, ông Đào Ngọc Nghiêm nói rằng Luật Quy hoạch 2017 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019, là cuộc "đại cách mạng" trong lĩnh vực pháp lý về quy hoạch của Việt Nam.
Luật Quy hoạch 2017 đã lần đầu xác lập hệ thống quy hoạch quốc gia và quy định nhiều vấn đề theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Trước đó, quy hoạch xây dựng được quy định theo Điều 13 Luật Xây dựng.
Tuy nhiên, sau đó đã nảy sinh một số vấn đề bất cập (điển hình là tình trạng "quy hoạch treo" và nhiều cán bộ quản lý mắc sai phạm liên quan đến quy hoạch), khiến Quốc hội phải thành lập chuyên đề giám sát việc áp dụng quy định pháp luật đối với Luật Quy hoạch 2017 và sau đó Quốc hội ra nghị quyết yêu cầu sửa Luật này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia đặt vấn đề: sửa Luật Quy hoạch bao giờ là thích hợp?
Theo ông, liên quan đến Luật Quy hoạch hiện hành có hơn 50 luật khác liên quan. Thời gian sắp tới sẽ có nhiều luật mới được ban hành có tác động đến Luật Quy hoạch, trước mắt là Luật Quy hoạch và quản lý đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị (hiện được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo).
"Theo 5 nội dung trình tại Dự thảo Luật và 23 nội dung điều chỉnh cụ thể, tôi thấy chưa có tác động gì làm thay đổi cơ bản Luật Quy hoạch. Luật lần này trình chưa kế thừa được những điểm mới của Luật Đất đai 2024 vừa ban hành. Chưa kể hai luật do Bộ Xây dựng đang soạn thảo sẽ đề cập những vấn đề rất mới về quy hoạch", ông Nghiêm nói và đề nghị Ủy ban Kinh tế cho ý kiến.
Đề nghị hệ thống lại toàn bộ các quy hoạch để sửa đổi toàn diện
Vấn đề thứ hai TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ra là: Chỉ nên sửa đổi một số vấn đề chi tiết như Dự thảo Luật hay là nên sửa đổi toàn diện cho thống nhất toàn bộ hành lang pháp lý về quy hoạch?
Thể hiện quan điểm thiên về hướng sửa đổi toàn diện, vị chuyên gia có hơn 40 năm gắn bó với vị trí quản lý về quy hoạch của Hà Nội nêu lý do như sau:
Thứ nhất, về hệ thống quy hoạch, ông Nghiêm cho rằng hệ thống quy hoạch của Việt Nam đang thiếu đồng bộ nên đã làm nảy sinh nhiều bất cập giữa thực tiễn và chỉ đạo. Vì thế, lần này sửa Luật Quy hoạch phải sửa lại cho chuẩn, thống nhất từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch kỹ thuật quốc gia đến quy hoạch tỉnh...
Chỉ riêng khái niệm quy hoạch thì hiện nay trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và trong Luật Kiến trúc đã có quan điểm khác nhau mặc dù đều dùng từ quy hoạch.
Từ đó, ông đề xuất hệ thống lại các quy hoạch trên cơ sở tham khảo bài học hệ thống quy hoạch của các nước. "Đề nghị sửa theo cái chung, hạn chế các từ ngữ mà hiểu kiểu gì cũng được như "quy hoạch quốc gia", "quy hoạch ngành quốc gia", "quy hoạch kỹ thuật quốc gia" và sắp tới có "quy hoạch đô thị nông thôn" cũng là một loại quy hoạch kỹ thuật quốc gia", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm |
Dẫn phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây, khẳng định Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch phải đi trước và phải là công cụ, muốn vậy quy hoạch phải đột phá và đi trước các luật khác.
Thứ hai, về kế hoạch thực hiện quy hoạch và chương trình tổ chức thực hiện quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, hai vấn đề này hiện cũng chưa rõ ràng trong Luật.
Cụ thể, theo vị chuyên gia, gần đây nhiều địa phương làm chương trình phát triển đô thị nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế giám sát và chịu trách nhiệm. Một số tỉnh, thành phố được cho cơ chế đặc thù (tức là áp dụng khác với luật) để phát huy thế mạnh tiềm năng riêng.
"Vậy tổ chức thực hiện quy hoạch thế nào?", ông Nghiêm đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị cần quy định rõ nội dung cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch.
Thứ ba, về quy định điều chỉnh quy hoạch, KTS Đào Ngọc Nghiêm hoan nghênh ý kiến đề nghị được quyền điều chỉnh quy hoạch tại Dự thảo Luật. Ông cho rằng khi ban hành các quy hoạch, dù có nâng tầm nhận thức đến đâu thì việc điều chỉnh quy hoạch là điều chắc chắn phải làm, bởi vì các quy hoạch đều đặt ra tầm nhìn xa mấy chục năm sau.
"Trong Luật Quy hoạch hiện chưa nói rõ khái niệm điều chỉnh. Tôi đề nghị quy định rõ về điều chỉnh định kỳ hàng năm, 5 năm và có cả điều chỉnh cục bộ. Kèm theo điều chỉnh nên xem xét để làm rõ hơn thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch", chuyên gia nói.
"Điều 53, 54 Luật Quy hoạch quy định cơ quan nào phê duyệt quy hoạch thì đồng thời có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Quan điểm như vậy là đúng. Nhưng giờ đây các cơ chế đặc thù khác với quy hoạch thì xử lý thế nào, cần làm rõ ngay trong Luật Quy hoạch", ông nói thêm.
Thứ tư, về thẩm định quy hoạch, theo ông Nghiêm hiện nay theo Luật, cơ quan quản lý quy hoạch được các địa phương phân quyền tổ chức lập quy hoạch. Quy định này đúng nhưng rất chung chung.
Luật là phải gần dân và có tính thực tiễn chứ luật không phải là viện hàn lâm đề xuất.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Kết quả là 63 tỉnh, thành phố hiện nay, chỉ có Hà Nội và TP.HCM có Sở Quy hoạch Kiến trúc nhưng Viện Quy hoạch lại trực thuộc rất khác nhau. Ở các cấp quận huyện không phải quận nào cũng có phòng quản lý quy hoạch đô thị...
"Với tính phân quyền cao như định hướng của Bộ Chính trị vừa qua, tôi cho rằng sửa Luật Quy hoạch lần này nên điều chỉnh theo hướng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý chuyên ngành phù hợp. Ví dụ quy hoạch về văn hoá, thể thao phải do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định...", ông Nghiêm đề xuất.
Thứ năm, về thời kỳ lập quy hoạch: Theo vị chuyên gia, hiện nay các quy hoạch có sự khác nhau rất lớn về thời gian. Hà Nội có Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời có Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Vậy nên làm thế nào để có sự thống nhất?
Ngoài ra, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị luật hoá vấn đề lấy ý kiến của người dân trong xây dựng quy hoạch.
Sửa Luật lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giải quyết ngay
Trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm về phát biểu nói trên, ông ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết; trong lần sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về đầu tư này, Chính phủ đề xuất mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết ngay đối với những vấn đề thực tiễn phát sinh.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Cho nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch lần này chỉ để sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần giải quyết ngay.
Về những bất cập chuyên gia nêu, ông Việt cho hay, Chính phủ hiện đang tổng kết để sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch và một số luật khác.
"Luật Quy hoạch 2017 là luật lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam cho nên còn có thiếu sót. Chính vì vậy, sau khi được ban hành, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định pháp luật của Luật Quy hoạch và có Nghị quyết 61 yêu cầu sửa Luật", ông Việt thông tin.
Liên quan đến quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại diện Uỷ ban Kinh tế cho hay, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất chặt chẽ quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Luật do Chính phủ trình, Chính phủ có thể giao cho một bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo; tuy nhiên sau đó Chính phủ sẽ phải xem xét thảo luận và có Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định.
"Khi trình luật ra Quốc hội, Chính phủ phải hoàn thiện hồ sơ, trong đó có báo cáo tổng kết thực tiễn, báo cáo đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế... Sau đó các Uỷ ban của Quốc hội sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi trước khi thẩm tra và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để đưa ra diễn đàn Quốc hội", ông Việt nói.